Chủ Nhật, 24 tháng 1, 2010

Review: Bodyguards and Assassins - Thập Nguyệt Vi Thành (2009)


Mang tham vọng thực hiện một bộ phim lớn nói về tinh thần đấu tranh cách mạnh của nhân dân Trung Quốc những năm đầu thế kỷ XX, với dàn diễn viên toàn sao và một kịch bản "bao trùm" đầy đủ tinh thần nhân dân, nhưng đạo diễn Trần Đức Sâm lại không thể làm được điều mà người xem trông đợi. Lớp nhân vật đa dạng nhưng không được xây dựng cụ thể, thiếu chiều sâu khiến cho bộ phim trở nên hời hợt, và chỉ dừng lại ở mức "xem được".

Đầu thế kỷ XX, phong trào cách mạnh ở Trung Quốc bắt đầu phát triển. Hồng Kông khi đó là thuộc địa của đế quốc Anh, nên các lực lượng cách mạng phản Thanh đều tập trung tại đây. Vì thế nhà Thanh đã cho mật thám tới Hồng Kông thực hiện các vụ ám sát nhằm vào các nhân vật cách mạng có tư tưởng tiến bộ, khiến cho tình hình tại Hồng Kông rất căng thẳng. Năm 1906, Tôn Trung Sơn - một trong những nhà cách mạng bí mật từ Tokyo, Nhật Bản trở về Hồng Kông để họp bàn đối sách chuẩn bị khởi nghĩa. Chính phủ Mãn Thanh bèn cho người đến lập kế ám sát ông, do tướng quân Diêm Hiếu Quốc (Hồ Quân) cầm đầu. Lực lượng cách mạng ở Hồng Kông cũng nhanh chóng tiến hành kế hoạch hộ tống và bảo vệ Tôn Trung Sơn an toàn, với sự tham gia của nhiều người ở mọi tầng lớp khác nhau trong xã hội: nhà cách mạng Trần Thiếu Bạch (Lương Gia Huy), thương gia Lí Ngọc Đường (Vương Học Kỳ) - người ủng hộ tài lực cho cách mạng, con bạc Thẩm Trùng Dương (Chân Tử Đan) - vốn là cai lệ nhưng ham mê cờ bạc nên tán gia bại sản, vợ con bỏ đi, phu xe A Tứ (Tạ Đình Phong) luôn trung thành với nhà họ Lí, ăn mày Lưu Úc Bạch (lê Minh) - vốn là công tử nhà giàu nhưng gia đình tan vỡ, Phương Hồng (Lý Vũ Xuân) - mong muốn trả thù cho cha bị người Mãn Thanh sát hại, Nhị phu nhân (Phạm Băng Băng) - vợ cũ của Thẩm Trùng Dương, giờ là vợ lẽ nhà họ Lí, công tử Lí Trùng Quang (Vương Bách Kiệt) - thiếu gia nhà họ Lí, tiếp thu tư tưởng cách mạng từ Trần Thiếu Bạch, Vương Phục Minh (Mengke Bateer)- người bán đậu phụ, từng là một võ tăng ...

Image Hosted by ImageShack.us

Phải nói dài dòng như thế để thấy "quy mô" của phim như thế nào. Một bộ phim tuyên truyền cách mạng mang tham vọng thể hiện được đầy đủ đời sống xã hội của các tầng lớp nhân dân, dẫn tới con đường họ ủng hộ cách mạng, bảo vệ lãnh tụ, chống lại chính quyền Mãn Thanh thối nát, vì cách mạng, vì tự do dân tộc. Một bộ phim với số lượng nhân vật lớn đại diễn cho mọi tầng lớp trong xã hội, với nhiều hoàn cảnh, nhiều tâm trạng, nhiều mối quan hệ khác nhau, được liên kết với nhau bởi cùng một lí tưởng. Một bộ phim tràn đầy tinh thần dân tộc yêu nước. Một bộ phim với cuộc đối đầu căng thẳng giữa phe cách mạng với phe phản cách mạng đầy âm mưu thâm độc nhằm bảo vệ lãnh tụ của nhân dân... Ý tưởng phim đồ sộ như thế, đòi hỏi đạo diễn phải xử lí một cách tài tình vai trò của các nhân vật trong phim, xây dựng nhân vật có chiều sâu, có liên hệ chặt chẽ với nhau thì bộ phim mới hấp dẫn, không bị rơi vào tình trạng dàn trải diễn viên, ai cũng là vai chính nhưng chẳng tập trung vào ai cả khiến mạch phim hời hợt. Đáng tiếc, đạo diễn Trần Đức Sâm lại không làm được như thế.



Image Hosted by ImageShack.us

Là một phim tuyên truyền đúng nghĩa, Thập Nguyệt Vi Thành dựng nên một xã hội với đủ mọi hạng người. Những người này đều có vai trò quan trọng trong sứ mệnh bảo vệ Tôn Trung Sơn. Tuy nhiên, quá nhiều diễn viên chính mà chẳng có ai được xây dựng rõ nét. Tất cả đều được nói đến một cách lần lượt như điểm danh, từ con bạc, rồi đến nhà cách mạng, rồi thương gia, rồi phu xe, ăn mày... Lần lượt, lần lượt các nhân vật xuất hiện, đều đều như nhau, hầu như không có ai thật sự nổi bật, tất cả đều trung bình. Họ không có mỗi liên hệ rõ ràng, không được xây dựng chi tiết, thiếu chiều sâu. Rồi khi diễn ra sự đối đầu, họ cũng lần lượt bất thình lình xuất hiện, chiến đấu và ... chết một cách đầy gượng ép. Có cảm giác đạo diễn như chỉ muốn khoe nhân vật của mình được nhiều, nhưng không biết sắp xếp họ vào đâu cho hợp lí. Nhân vật hời hợt khiến cho khán giả không thể đồng cảm cũng nhân vật, không nắm được cái tinh thần yêu nước của nhân vật diễn biến ra sao. Con bạc của Chân Tử Đan xuất hiện từ đầu đến cuối, nhưng ngoài việc đánh bạc và ăn tiền ra thì người xem không biết thêm được gì, nhưng sau này lại hăng hái tham gia cách mạng một cách kì lạ. Chi tiết người vợ cũ - nguồn cội dẫn đến cách mạng rất mơ hồ và thiếu thuyết phục. Nhà cách mạng Trần Thiếu Bạch thì hầu như không thấy có chút ảnh hưởng nào, hay có tinh thần lãnh đạo cách mạng chút nào (thực tế trong phim, thương gia họ Lí mới là người lãnh đạo). Ăn mày họ Lưu của Lê Minh thì bất chợt thay đổi trở thành nhân vật yêu nước cứu đời, khi cả phim người ta không thấy chút bi kịch gì ở anh, cũng như động lực của anh khi đứng lên theo cách mạng. Đó là phe cách mạng, còn phe phản cách mạng thì sao? Đáng tiếc, ta không thấy nhiều điều ở phe phản cách mạng. Vai diễn của Hồ Quân không đủ sức nặng, chưa gây được ấn tượng với khán giả về một tướng quân từng trải đầy mưu mô tính toán, luôn trung thành với Mãn Thanh. Lực lượng phản cách mạng quá mờ nhạt, không thể hiện được tinh thần của chính quyền phong kiến Mãn Thanh mà chỉ như một lũ đánh thuê.



Image Hosted by ImageShack.us

Không đi sâu vào hòan cảnh cũng như mỗi liên hệ giữa các nhân vật, diễn biến tâm lí nhân vật cũng có vấn đề. Người dân giác ngộ cách mạng đôi lúc quá ... nhanh và vô lí. Ông chủ Lí Ngọc Đường, luôn đứng ngoài những hoạt động cách mạng, phản đối con trai theo cách mạng, nhưng chỉ vì một chút nông nổi mà trở thành người chỉ đạo cách mạng. Con bạc Thẩm Trùng Dương không hiểu vì sao tham gia cách mạng một cách nhiệt tình... Phim vừa thiếu lại vừa thừa chi tiết. Ăn mày họ Lưu không rõ vì sao mà chán chường đi làm ăn mày, nhưng khán gải lại khó chịu khi thấy tự nhiên lại có hình bóng một người phụ nữ mà trước đấy chẳng hề có chút ấn tượng. "Đậu phụ thối" Vương Phục Minh có lẽ không cần phải nói nhiều đến thế để giải thích thân phận của mình. Chính những điều trên đã làm giảm giá trị diễn xuất của diễn viên. Trong phim, có lẽ xuất sắc nhất là nhân vật A Tứ của Tạ Đình Phong. Nhân vật A Tứ lạc quan, lém lỉnh được Tạ Đình Phong thể hiện rất xuất sắc, nhân vật cũng được xây dựng chi tiết có chiều sâu, với một lòng trung thành đáng quý, một tình yêu đơn sơ nhưng thật đẹp và một tinh thần yêu cách mạng quật cường (thực ra, tinh thần cách mạng ấy vẫn là tinh thần trung thần với chủ). Tiếp đến là Lí Ngọc ĐƯờng, nhân vật chính xuyên suốt bộ phim, sợi dây liên hệ giữa các nhân vật trong phim. Còn lại tất cả đều nhạt nhòa, diễn xuất tốt đến đâu cũng không thể gây ấn tượng với khán giả.



Image Hosted by ImageShack.us

Thập Nguyệt Vi Thành dành một nửa phim để khắc họa nhân vật (không được thành công cho lắm), và nửa còn lại cho cuộc đối đầu nghẹt thở giữa phe cách mạng và phe phản cách mạng. Đáng tiếc, phần này cũng không đủ xuất sắc để kéo lại bộ phim. Cuộc ám sát diễn ra khá căng thẳng, gay cấn, nhưng không đặc biệt và còn sạn. Không có một âm mưu lớn nào đủ căng thẳng, chỉ có những cuộc đụng độ nhỏ lẻ ta vẫn thường gặp. Các nhân vật lại lần lượt được tung ra, chiến đấu và ... hi sinh một cách đầy vinh quang nhằm bảo vệ lãnh tụ, nhưng sự xuất hiện cảu họ khá bất hợp lí và không mấy gây được cảm xúc. Thậm chí những sự hi sinh đôi lúc lại khá vô lí và sáo mòn, mang tinh thần tuyên truyền ái quốc quá đáng. Dù sao thì các màn hành động cũng rất khá, tính giải trí cao, không khí phim gấp gáp hồi hộp, nên có thể chấp nhận được. Hấp dẫn nhất là trường đoạn nhân vật của Chân Tử Đan đối đầu nhân vật của Lê Cung, dù ngắn và không bằng các phim trước của Chân nhưng cũng đủ làm nóng không khí phim (phim này Lê Cung đóng vai một cha phản cách mạng thô lỗ cục mịch đối ngược với Chân Tử Đan nhanh nhẹn linh hoạt, cả 2 có một màn rượt đuổi xem được, dù pha rượt đuổi của Lê Cung xem thấy khá đểu).

Hình ảnh, âm thanh của phim bình thường, không có gì đặc biệt.

Có thể thấy từ đầu đến cuối bài review này là tôi chê phim, nhưng bạn đừng nghĩ phim dở. Thập Nguyệt Vi Thành là một phim xem được, có thể nói là hay, xứng đáng để bạn bỏ thời gian ra theo dõi. Nhưng có lẽ do quá kì vọng vào phim nên cảm giác thất vọng với tôi lại khá nhiều, nên không biết phải khen gì nữa. Thập Nguyệt Vi Thành vì quá tham vọng nên không thể thực hiện xuất sắc mảng nào - nội dung, diễn xuất, diễn biến hay hành động, và sự kết hợp của chúng cũng không xuất sắc. Nhưng nếu bạn muốn tìm hiểu về cách mạng Trung Quốc những ngày đầu thì nên xem phim - một bộ phim tuyên truyền đúng nghĩa.

Đánh giá: 7/10 (khách quan: 7,5/10)

Poster phim:




Thông tin phim:

  • Tên phim: Bodyguards and Assassins | Thập Nguyệt Vi Thành | 十月围城| Shi Yue Wei Cheng
  • Thể loại: Tâm lý, Hành động, Lịch sử
  • Kịch bản: Tần Thiên Nam
  • Đạo diễn: Trần Đức Sâm
  • Diễn viên:

Chân Tử Đan ... Thẩm Trùng Dương
Lê Minh ... Lưu Úc Bạch
Tạ Đình Phong ... A Tứ

Lương Gia Huy ... Trần Thiếu Bạch

Hồ Quân ... Diêm Hiếu Quốc

Vưởng Học Kỳ ... Lí Ngọc Đường

Vương Bá Kiệt ... Lí Trùng Quang

Phạm Băng Băng ... Nhị phu nhân

Lý Vũ Xuân ... Phương Hồng


  • Độ dài: 132 phút
  • Phân loại: PG-13
  • Ngôn ngữ: tiếng Trung
->Read More...

7 nhận xét:

  1. Ăn mày họ Lưu - Lưu công tử: Anh này chưa bao giờ đi theo Cách Mạng cả, đơn giản chỉ là ông chủ Lí giúp anh ta chuộc chiếc quạt sắt, báu vật gia truyền của nhà anh ta về, và nhờ anh ta đi bảo vệ Tôn Trung Sơn, anh ta nhận lời, đồng thời cũng là lúc giải thoát cho cuộc đời chính mình :D Còn về bi kịch của anh họ Lưu này, trong phim có mô tả, là anh ta yêu "người đàn bà của cha mình" ( không biết là mẹ hay mẹ kế :-s ) cho nên có thể hiểu người phụ nữ xuất hiện lúc cuối phim chính là ai rồi, đó cũng là thế hiện 1 sự si tình đến tận giây phút cuối cùng của anh họ Lưu.
    Ông chủ Lí: Thật ra ông này vẫn âm thầm ủng hộ cách mạng, chỉ là ổng nói rõ, xuất tiền không xuất lực, vì ổng không muốn gia đình, và đặc biệt là đứa con trai duy nhất bị cuốn vào, nhưng cuối cùng con trai ổng vẫn hi sinh >>> bi kịch :(
    Thẩm Trùng Dương: Cũng chả phải theo Cách Mạng, chỉ là nhận lời vợ cũ, và vì đứa con gái của anh ta, nên quyết định đi bảo vệ ông chủ Lí thôi
    Nói chung cuộc đời các nhân vật cũng được khắc họa khá rõ, tuy nhiên... chả liên quan gì đến cách mạng thì phải. Xem xong phim chỉ thấy tội nghiệp cho những người đã ngã xuống thôi. Dù sao đây cũng là 1 bộ fim đáng xem...

    Trả lờiXóa
  2. Phim khá hay, đáng xem, và các nhân vật đúng là chả liên quan gì mấy đến cách mạng, vì mang tính tuyên truyền mọi người dân đều tìm đến cách mạng như là hi vọng vào tương lai hạnh phúc, dù chưa hiểu rõ cách mạng là gì, điều này hợp lí.

    Giờ xem lại mới thấy mình hơi chủ quan khi phê phim này, có những chi tiết cần xem kĩ hơn để hiểu rõ ý tưởng ở mỗi nhân vật hơn. Dù vẫn thấy phim không như ý (vì ban đầu hình dung phim khá khác) nhưng công nhận phim xây dựng nhân vật khá tốt và biểu hiện tâm lý, mục đích khá rõ ràng (tuy là không tự nhiên và còn dài dòng, không cô đọng, không đi sâu vào hoàn cảnh, liên hệ giữa nhân vật yếu). Phim tuyên truyền vậy là ngon rồi.

    Trả lờiXóa
  3. Có một điểm mình thấy rất bựa, vai "Đậu phụ thối" của Ba Đặc Nhĩ cũng là một vai tiêu biểu mà không được xếp vào trong "thập nguyệt". Thậm chí ko có hình của anh trong poster phim. Trong khi đó mình thấy vai của Phạm Băng Băng không hề bảo vệ Tôn Văn tí nào thì lại được xếp vào "thập nguyệt", các bạn nhìn poster thì sẽ thấy!

    Trả lờiXóa
  4. Đánh giá như vậy thì tốt nhất trùm mền ngủ đi chủ blog à, xem phim mà không cảm nhận được dù nhỏ nhất của phim, tào lao bí đao quá.

    Trả lờiXóa
  5. Biểu hiện của mình khi đọc review của bạn là nhăn mặt, đến câu cuối thì là hết chịu nỗi, no comment lun. Dẫu biết là cảm nhận phim tùy vào trãi nghiệm, quan điểm, kiến thức cá nhân sẽ có những kết luận khác nhau. Và cũng nói lun là mình chẳng phải là người am hiểu điện ảnh gì lắm, mình chỉ là một mọt phim, cụ thể là phim võ thuật HK. Với mình không có phim hay phim ko hay (vì mình dựa vào cái gì mà kluận?) mà chỉ có phim mình thik và không thik.
    Thập nguyệt vi thành là bộ phim mình thik, tất nhiên vì vậy nên mình mới kiên nhẫn đọc hết bài viết của bạn chỉ để có thêm cái nhìn về “người mình thik”. Mình hoàn toàn hok có bất kỳ phản bác nào vs bạn về những chỉ trích bạn dành cho bộ phim, về mạch phim, kết cấu, nội tâm nhân vật gì gì đó. Có thể bạn đúng, mà mình thì như đã nói ở trên, mình ko phải là nhà bình luận phim (suỵt, nhưng thiết nghĩ nếu phim dở như bạn nói thì chắc nó phải được giải Mâm Sôi Vàng hơn thay vì ẳm về một mớ Kim Tượng, Asia …rồi).
    Duy chỉ có một điều mình muốn làm rõ vs bạn: Đây làm một bộ phim tuyên truyền? Bạn hiểu thế nào là một bộ phim như vậy? Đã tuyên truyền thì phải nó về lý tưởng. Vậy lý tưởng phim là chổ nào? Quốc Dân đảng (bây h đã tàn rồi), hay Đảng Cộng Sản (đang là đảng thống trị)? Mình thừa nhận bộ phim dựa vào một giai thoại lịch sử và cụ thể là Tôn Trung Sơn (vị anh hùng muôn đời được người Trung Hoa ca tụng), nhưng ko lẽ cứ làm phim về một vị anh hùng là có tính tuyên truyền? Cụ thể việc TTS làm đó là đánh đổ phong kiến, đòi dân chủ, vậy thời hiện đại này rồi mà người ta còn tuyên truyền điều đó để làm gì? Chưa nói ở đây yếu tố ‘bảo vệ TTS’ chỉ là nền, cái chính yếu cốt lõi của bộ phim là tính ‘phi chính trị’ biểu hiện rõ ở đây là nêu cao tinh thần, khí phách của người TQ bao gồm tính nhân văn, nghĩa hiệp, quả cảm. Bạn đừng xem phim vs tinh thần phim chính trị rồi đòi hỏi nv trong phim phải chết một cách triệt để lý tưởng cách mạng, nếu vậy bộ phim chỉ làm bạn thất vọng thôi :)))
    Trong phim, hàng tá nv phải chết, chết vì chủ, vì con, vì vợ, vì cha, vì huynh đệ, vì học trò, vì chúa tôi, hay đơn giản vì muốn chết nên chết (nv của Lê Minh), có thấy tinh thần cách mạng ở chổ nào đâu. Và mình thấy cũng chẳng cần tôn họ là anh hùng gì cả, họ chỉ là những con người đáng yêu, đáng quý, đáng ngưỡng mộ, chỉ vậy thôi. Duy nhất có một nv chết vì lý tưởng cách mạng – vị thiếu gia nhỏ tuổi, nếu đễ ý bạn thấy nv này là nv ‘mỏng’ nhất phim, vs một dàn sao thì dv đóng vai này thực sự diễn rất non, tuy nhiên cũng lại phù hợp vs xây dựng nv. Vị Lý thiếu gia này chỉ là một chàng thanh niên trẻ người non dạ, cậu ta tôn thờ cách mạng một cách cuồng điên (hơi giống kiểu fan cuồng vs thần tượng ngày nay), đến lúc ‘được chết vì cách mạng’ thì cậu mĩm cười hài lòng. Cái chết của cậu là cái chết ít nhận được nước mắt từ người xem nhất, nhưng nói vậy cũng ko có nghĩa cậu chết vô ích, và không đáng được ngưỡng mộ, chỉ là nếu so vs những con người bé nhỏ khác chết vì những lý do cũng ‘bé nhỏ’ hơn thì cậu nhận được ít sự đồng cảm hơn thôi.
    À mình nói thêm một tí về ‘cảm giác kiếm hiệp’ khi mình xem phim này, người trong giang hồ, dấn thân vào chốn mưa tanh gió máu, quyết không quay đầu, chết không hối hận…

    Trả lờiXóa