Thứ Sáu, 14 tháng 5, 2010

No Cannes. MTV is funnier!


Cannes 2010 đang diễn ra. Với một người sính đồ giải trí hơn nghệ thuật như tôi thì Cannes không phải là một sự kiện gì đáng quan tâm lắm, không nhiều phim được giới thiệu ở Cannes có cơ hội được công chiếu hay phát hành rộng rãi, và dù có thì đa số không hợp gu của bản thân nên ngại tìm xem. Lần này thì thấy có bác Tim Burton làm Chủ tịch với Robin Hood chiếu mở màn ra thì chưa thấy có cái tên nào mà tôi đáng phải chú ý. Thôi kệ, không hợp thì thôi không cần cố quá làm gì, quan tâm cái khác hơn. Còn cả lố phim chưa kịp xem, rồi bao nhiêu việc khác nữa... 21 này Mega chiếu Robin Hood, cũng rảnh chắc đi coi. Phim của Ridley Scott thì nếu ko xuất sắc thì chắc cũng không dở, nhưng tôi khá là nghi ngờ sự thành công của Robin Hood. Đùa chứ chưa biết phim nó thế nào, nhưng riêng việc casting Russell Crowe với Cate Blanchett tôi đã thấy chán rồi. Russell Crowe hồi Gladiators trông nam tính đẹp trai phong độ là thế, giờ già rồi trông rệu quá, khác biệt hòan toàn so với hình tượng Robin Hood từ trước đến giờ của tôi. Cate Blanchett cũng vậy, đóng Elizabeth thì chuẩn không ai bảo gì chứ mon men đóng Maid Merian thì thôi. Sao tôi thấy Orlando Bloom với Eva Green casting phim này chuẩn luôn, dù trong Kingdom of Heaven hai anh chị này diễn cũng không có gì đặc sắc nhưng phải nói là rất phù hợp. Nói vậy thôi, cũng chưa biết thế nào, chờ phim ra rồi tính ...

Hờ hờ, có cái thư giãn tốt hơn nè. MTV Movie Awards 2010 vừa công bố đề cử, 6/6 sẽ diễn ra. Cái này và cái Teen Choice Awards là 2 award thuộc loại thư giãn và tính giải trí cao nhất mà tui biết. Coi mấy cái đề cử kiểu Best Villain hay Best Kiss, Best Fight mới thấy nso bình dân như thế nào, nhưng cũng hay đấy chứ, đôi khi xem phim người ta chỉ cần xem mỗi kiss, xxx hay fighting ầm ầm :D Cũng không rõ hội đồng giám khảo gồm những ai, tiêu chí lựa chọn đề cử và người thắng ra sao, thuộc loại lố lắng và nhảm bậc nhất. Không nói đâu xa, cứ nhìn qua mấy cái đề cử năm nay là biết:

Best Movie

Alice in Wonderland
Avatar
The Hangover
Harry Potter and the Half-Blood Prince
The Twilight Saga: New Moon

Hơ hơ, tạp nham đủ các thể loại luôn, nhưng chắc là chủ yếu phục vụ dân teen nên đề cử cũng toàn phim mà teen hâm mộ (và ... biết là nó có ra rạp). Chẳng thế mà nải chuối New Moon đã vượt qua hàng loạt bom tấn khác để chen chân vào được list để cử Best Movie, và mấy anh chị ưỡn ẹo trong đấy cũng tranh thủ chen vào được 4 đề cử khác. Ngó qua lố đề cử với mấy cái winner vài năm trước thì thấy tính thư giãn cao thật. Giờ vẫn không tin được là năm ngoái cái Twilight được vinh danh Best Movie, vượt qua cả The Dark Knight, High School Musical 3, Iron Man, Slumdog Millionaire, Kristen Stewart như dở người thì thắng Best Female Performance, Zac Efron phải gọi là giỏi khi được vinh danh là Best Male Performance, hiệu ứng teen force mạnh thật. Nghi năm nay vớ vấn mấy chú 6 múi trong New Gay, í nhầm New Moon lại vơ về vài cái nữa thì bỏ cha, gì chứ doanh thu hoành tráng thế cơ mà. Thôi thì cũng kệ, lâu lâu có cái coi giải trí chút cho thoải mái, xem dân teen Mĩ bây giờ thích (hay ham hố ăn theo) cái quái gì. List đề cử thôi khỏi post ở đây cho nó rác, mọi người qua đây mà xem, nói chung xem xong thì chịu không hiểu đồng chí nào nghĩ ra cái list đề cử trí tuệ đến thế.

Rảnh rảnh linh tinh vậy thôi ...
->Read More...

Chủ Nhật, 9 tháng 5, 2010

Review: Ip Man 2 - Diệp Vấn 2: Tông sư truyền kỳ (2010)


Không nhiều phim Trung Quốc có sequel (phần tiếp theo), tuy nhiên có thể thấy rằng những sequel của Trung Quốc thường có chất lượng cao hơn sequel của Hollywood - vốn mang nặng tính ăn theo, rất nhiều. Diệp Vấn 2 cũng vậy. Dù có nhiều ý kiến trái chiều nhưng với tôi, Diệp Vấn 2 vẫn là một bộ phim hay và là một sequel xuất sắc, vừa giữ được những nét đặc sắc đã làm nên thành công của phần 1 vừa tạo nên một không khí rất riêng cho mình ...

Hồng Kông những năm 1950. Sau sự kiện xảy ra tại Phật Sơn, cả nhà Diệp Vấn (Chân Tử Đan) phải sang Hồng Kông lánh nạn. Tại nơi đất khách quê người, không thân thích, vợ lại mang thai, cuộc sống của nhà họ Diệp trở nên khó khăn. Nhờ có một người quen giới thiệu, Diệp Vấn mở một võ quán Vịnh Xuân nhỏ một gác thượng một căn nhà, thu nhận Hoàng Lương (Huỳnh Hiểu Minh) - một thanh niên trẻ tuổi làm đệ tử. Một lần, Hoàng Lương gặp rắc rối với đệ tử của phái Hồng quyền, Diệp Vấn ra mặt giúp đỡ khiến cho mâu thuẫn giữa 2 phái nảy sinh, Diệp Vấn và Hoàng Lương bị cảnh sát bắt. Hồng Chấn Nam (Hồng Kim Bảo) - võ sư Hồng quyền, yêu cầu Diệp Vấn phải vượt qua thử thách đả lôi đài và phải đóng lệ phí hàng tháng mởi được quyền mở võ quán. Diệp Vấn vượt qua thử thách lôi đài nhưng không đồng ý đóng lệ phí, khiến cho võ quán gặp không ít rắc rối, bởi các võ quán tại Hồng Kông chịu sự bảo kê của tay cảnh sát trưởng người Anh, mỗi tháng Hồng Chấn Nam đều phải thu lệ phí để nộp cho hắn. Một ngày Hồng Kông tổ chức biểu diễn võ thuật phương Tây, một tay võ sĩ nước ngoài được gọi là "Vòi Rồng" đã chê bai võ thuật Trung Quốc, đồng thời thách thức các võ sư có mặt ở đó. Hồng Chấn Nam đã lên võ đài giao đấu mới hắn, nhưng không may thất bại và chết. "Vòi Rồng" tiếp tục thách thức các võ sư Trung Quốc rằng không ai dám đấu với hắn, và lần này, Diệp Vấn đã thách đấu ...


Không nhiều phim Trung Quốc có sequel (phần tiếp theo), tuy nhiên có thể thấy rằng những sequel của Trung Quốc thường có chất lượng cao hơn sequel của Hollywood - vốn mang nặng tính ăn theo, rất nhiều. Một sequel muốn thành công thì không những phải giữ được những cái hay của phần trước mà còn phải phát huy sự đặc sắc đó lên một tầm cao hơn (như Hoàng Phi Hồng) hay đổi mới một cách sáng tạo (như Anh Hùng Bản Sắc). Có thể nói Diệp Vấn 2 đã thể hiện được cả 2 điều trên. Nội dung phim khá dễ nắm bắt, thực tế chỉ cần xem trailer người xem cũng nắm được sơ lược cốt truyện diễn biến ra sao, nhưng tất nhiên điểm hấp dẫn của phim không chỉ có thế. Bối cảnh trong Diệp Vấn 2 được xây dựng khắc hẳn so với phần 1: ở phần 1, một phần nhỏ là bối cảnh Phật Sơn thanh bình, Diệp Vấn sống hạnh phúc vô lo bên gai đình, còn lại là Phật Sơn hoang tàn đen tối dưới sự cai trị của quân đội Nhật. Còn ở phần 2 là bối cảnh Hồng Kông đông đúc sầm uất, gia đình Diệp Vấn phải chạy vạy kiếm sống, không còn khủng bố, bắt bớ bắn giết hay quân xâm lược nữa. Điều này khiến cho không khí của Diệp Vấn 2 trở nên khác biệt: đời thường hơn, có hơi "thực" hơn và tư tưởng, hành vi của nhân vật lúc này cũng mang ý nghĩa hoàn toàn khác. Cảm nhận của người xem cũng vì thế mà được đổi mới, chứ không bị bó buộc vào một hoàn cảnh, một motif cũ kĩ nào đó như đối với nhiều sequel của Holywood (dù thực sự motif của phần 2 vẫn tương tự như phần 1). Mạch phim được phân chia hợp lí hơn phần 1, các cảnh hành động đan xen đều giữa các cảnh miêu tả tâm lí, không gây cảm giác nhàm chán hay thừa thãi.


Và điều làm nên thành công của bộ phim vẫn là những màn võ thuật đẹp mắt, những trận giao đấu hấp dẫn, kịch tính. Trong Diệp Vấn 2, Chân Tử Đan và Hồng Kim Bảo tiếp tục thỏa mãn khán giả với những trận đấu mãn nhãn đậm chất võ thuật Trung Hoa. Cường độ các màn phô diễn võ thuật được đẩy lên cao hơn hẳn so với phần 1, nhất là các pha 1 đấu nhiều người, bên cạnh các trận đấu lớn là các pha võ thuật nhanh, ngắn gọn nhưng cũng rất đẹp mắt. Phong cách võ thuật của phần 2 cũng được đổi mới. Lần này Diệp Vấn không giao đấu với tay tướng quân Nhật Bản dùng Karate mà là võ sĩ người phương Tây dùng Boxing. Có nhiều ý kiến khác nhau về võ thuật trong Diệp Vấn 2, trong đó có ý cho rằng các pha hành động trong phim kém phong phú và "mất chất" hơn so với phần 1. Hoàn toàn có thể hiểu được điều này. Ở phần 1, những cảnh giao đấu lớn bao gồm trường đoạn các võ sư và Diệp Vấn đấu Kim Sơn Trảo, Diệp Vấn đấu 10 võ sinh Karate và Diệp Vấn đấu tướng quân Nhật. Vịnh Xuân quyền của Diệp Vấn là võ thuật cận chiến, các đòn đánh bằng tay ngắn, trong phạm vi hẹp và thiên về âm nhu, mềm dẻo linh hoạt. Còn võ thuật của Kim Sơn Trảo hay Karate sử dụng linh hoạt cả tay lẫn chân với nhiều chiêu thức tấn công mạnh mẽ và đa dạng, công thủ trong pham vi rộng và thiên về cương ngạnh. Vì thế các trận chiến trong Diệp Vấn 1 trông rất hấp dẫn, phong phú khi 2 trường phái võ thuật khác nhau giao đấu, đặc biệt là với sự kết hợp với các màn đấu bằng binh khí. Còn ở phần 2, Diệp Vấn giao đấu chủ yếu với Hồng Chấn Nam - Hồng quyền và Boxing. Hồng quyền là võ công thiên về cương ngạnh, nhưng có điểm tương đồng với Vịnh Xuân là thường dùng các đòn tay ngắn và giao đấu cận chiến. Boxing thì đa dạng hơn, nhưng chỉ có thể dùng tay, và các đòn boxing cũng thường trong phạm vi hẹp, trừ các cú đấm mang lực manh lúc quyết định. Vậy nên khi giao đấu Hồng quyền và Vịnh xuân trông rất giống nhau, khác biệt ở hình dáng bên ngoài không nhiều, ngay cả khi đấu với Boxing thì Vịnh xuân cũng không quá khác biệt, nhất là khi giao đấu cậnchiến. Điều này tạo cho khán giả cảm giác các trận giao đấu trong Diệp Vấn 2 không được đa dạng, dù vẫn hấp dẫn nhưng Vịnh xuân quyền giờ đây không còn đủ "chất" như phần 1. Tất nhiên chẳng có gì là hoàn hảo, nỗ lực đổi mới trong phong cách của Chân Tử Đan và Hồng Kim Bảo đương nhiên không thể thỏa mãn hết tất cả mọi người được. Những chi tiết như cảnh đả lôi đài thể hiện rất đậm nét phong cách võ thuật Trung Quốc, làm tăng tính chân thực và nghệ thuật hơn cho bộ phim. Nói chung, võ thuật trong Diệp Vấn 2 vẫn là một thành công, và điều đó đã làm nên một sequel võ thuật hấp dẫn không kém phần 1 (những ý kiến trên hòan toàn là ý kiến dựa trên kinh nghiệm cá nhân).


Dàn diễn viên của Diệp Vấn 2 hầu như được giữ nguyên từ phần 1. Hồng Kim Bảo giờ đây không chỉ là chỉ đạo võ thuật mà còn là một nhân vật quan trong của bộ phim, và sự tái hợp của bộ đôi Chân Tử Đan - Hồng Kim Bảo từ sau Sát Phá Lang thật sự khiến nhiều khán giả mãn nguyện. Diệp Vấn vẫn là vai diễn chính, nhưng giờ đây đã có nhiều mối quan hệ hơn, nhiều nhân vật để khai thác hơn. Hầu hết các nhân vật đều được xây dựng giống như phần một, vừa đủ chứ không thật sự ấn tượng, dù cho nhiều đất diễn hay không thì các vai diễn vẫn cứ sàng sàng như nhau. Diệp Vấn của Chân Tử Đan thì có khá hơn, biểu hiện cảm xúc đa dạng và chân thực hơn, nhưng vẫn chưa tạo được ấn tượng thực sự sâu sắc, dù so với các diễn viên chuyên về võ thuật khác thì diễn xuất của Chân Tử Đan được đánh giá khá hơn. Các diễn viên khác diễn cũng khá tốt, dù so với trong Sát Phá Lang thì Hồng Kim Bảo không có đột phá, Hùng Đại Lâm ít xuất hiện hơn nhưng ấn tượng vẫn rất tốt, vai diễn của Huỳnh Hiểu Minh cũng giống với những vai trước đó anh đã từng thủ diễn, Phàn Thiếu Hoàng thì kiểu nhân vật thay đổi nhưng phong cách vẫn như thế... Tuy nhiên một số chi tiết lồng ghép vào lại tạo ra sự thừa thãi không đáng có. Nhân vật Châu Thanh Tuyền của Nhậm Đạt Hoa giờ chỉ là cameo, dù cho có hiệu quả nhất định nhưng vẫn tạo cảm giác thừa thãi. Và nhất là sự xuất hiện của hình tượng Lí Tiểu Long ở cuối phim, thật sự là vô lí và không cần thiết (gần giống với phong cách post-credit dạo gần đây của mấy phim superhero của Marvel). Có một điều khá thú vị: trong phim, Diệp Vấn thu nhận Hoàng Lương làm đệ tử khi Diệp Vấn khoảng 40 tuổi, Hoàng Lương khoảng 18-20 tuổi còn Diệp Chuẩn vẫn là một thiếu niên 13-14 tuổi. Tuy nhiên trong lịch sử, Diệp Vấn sinh năm 1893, Hoàng Lương sinh năm 1935 còn Diệp Chuẩn sinh năm 1924, tức là thời điểm trong phim Diệp Vấn đã gần 60 tuổi, Hoàng Lương mới có 15-16 tuổi và Diệp Chuẩn đã 26-27 tuổi ?! Tất nhiên, phim ảnh có quyền phóng tác và cường điệu, mấy cái số liệu tuổi tác này căn bản cũng không ảnh hưởng gì nhiều đến bộ phim.


Phim dàn dựng bối cảnh tốt, dù không được ấn tượng như bối cảnh Phật Sơn hoang tàn ở phần 1. Quay phim cũng rất khá, ở các cảnh hành động một đấu nhiều người như cảnh ở chợ cá, máy quay lựa chọn góc quay tốt hơn phần 1, tạo cảm giác thật và hợp lí hơn cảnh Diệp Vấn đấu 10 võ sinh Karate. Các cạnh cận và trung cận được sử dụng nhiều do đặc điểm của Vịnh Xuân quyền và Hồng quyền lẫn boxing là giao đấu cận chiến ở cự li hẹp. Nhạc phim không nhiều nhưng được sử dụng rất hợp lí, kết hợp hiệu quả với âm thanh khiến cho âm thanh trong phim không bị nhiễu, tạo được sự cảm xúc hứng khởi cho người xem. Không có điểm gì để chê trách những điều này cả. Một điểm có thể chê khác lại nằm ở kịch bản: Diệp Vĩ Tín lần này lại cho DIệp Vấn giao đấu với võ sĩ phương Tây ở cuối phim để bảo vệ danh dự dân tộc, motif cũ mèm trong các phim võ thuật bối cảnh cận đại mà gần đây nhất trong Tô Khất Nhi, Viên Hòa Bình cũng tham lam cho thêm vào. Đánh Tây hay đánh Nhật thì không có vấn đề gì, chỉ là motif đã quá cũ và dễ gây nhàm chán, và trong trường hợp này thường đối thủ hay bị hạ thấp và cường điệu quá mức, còn tinh thần tự hào dân tộc của nhân vật chính thường được nâng lên tận mây xanh. Diệp Vĩ Tín có tiến bộ hơn một chút so với các tiền bối là không chỉ miêu tả trận đấu mà những chi tiết tiền trận đấu cũng được miêu tả cụ thể, nhân vật phản diện trong phim dù vẫn còn hơi cường điệu nhưng đã được xây dựng một cách công bằng hơn, đỡ "mọi rợ" hơn các phim khác.


Diệp Vấn 2 là một trong những sequel thể loại hành động thành công nhất mà tôi từng xem, và bộ đôi Chân Tử Đan - DIệp Vĩ Tín tiếp tục thỏa mãn người hâm mộ với một tác phẩm hành động - võ thuật đặc sắc. Nhưng điều đấy không có nghĩa tôi ủng hộ một Diệp Vấn 3. Tìm kiếm ý tưởng mới bao giờ cũng tốt hơn là cố gắng dựa theo những ý tưởng cũ.

Đánh giá: 8/10

imagebam.com imagebam.com imagebam.com

Thông tin phim:

Tên phim: Ip Man 2 / 叶问2:宗师传奇 / Diệp Vấn 2: Tông sư truyền kỳ
Thể loại: Hành động, Võ thuật, Tâm lý
Kịch bản: Hoàng Bách Minh
Đạo diễn: Diệp Vĩ Tín
Diễn viên:

Chân Tử Đan ... Diệp Vấn
Hồng Kim Bảo ... Hồng Chấn Nam
Huỳnh Hiểu Minh ... Hoàng Lương
Phàn Thiếu Hoàng ... Kim Sơn Trảo
Hùng Đại Lâm ... Trịnh Vĩnh Thành
Trương Tắc Sĩ  ... Phì Ba

Độ dài : 105 phút ->Read More...

Thứ Năm, 6 tháng 5, 2010

Linh tinh phim 05/05/2010


Rảnh rỗi xem lại mấy phim cũ, phim mới thì toàn hàng vô danh ngại xem nên cũng chẳng có gì đáng kể ...

1. Hôm nay mới được xem How to Train Your Dragon, phim hay, hay thế nào thì mọi người review khen chê này nọ đủ rồi nói ra nữa lại thừa. So với cái Monsters vs. Aliens hay Madagascar thì HTTYD vượt trội hơn hẳn, và hơn cả những Kung Fu Panda, Flushed Away, Over the Hedge, ngang ngửa Shrek và Shrek 2, một khởi đầu khá tốt tạo tiền đề cho sự trở lại của Shrek Forever After sau khi Shrek the Third bị đánh giá là tệ hại... Phim của Dreamwork so với Pixar thì "bình dân" hơn, thường là motif đơn giản quen thuộc, dễ xem dễ cảm dễ cười, dễ nhớ mà cũng dễ quên, phù hợp với thiếu nhi hơn (không có nghĩa là không phù hợp với người lớn, chỉ là so với phim Pixar thì tính triết lí người lớn nhiều hơn), nên xem phim Dreamwork thấy cái hay thì rất dễ mà bình luận nó thì khá khó, bởi sự hấp dẫn và ý nghĩa của nó khá đơn giản và quen thuộc. Pixar thì khác, phim Pixar luôn có những ý tưởng mới, tính triết lí cao được ẩn dấu kín đáo không dễ nhận ra, nên không phải ai cũng hiểu và thích. Vậy nên xem HTTYD , nói nó hay ra sao thì khó đi vào chi tiết, nói chung là nó hay, có ý tưởng mới lạ hơn các phim trước (mấy con rồng trông rất vui), nhân vật khác biệt và đặc sắc, motif cũ mèm nhưng xây dựng chi tiết hợp lí hơn nhiều phim teen "anh hùng rơm", bài học ý nghĩa quen thuộc, chi tiết hài làm tốt và khá đa dạng, animation làm ổn, nhạc phim hay và, đậm chất viking. Chỉ tiếc cảm giác phim hơi ngắn, giá mà nửa sau của phim đầu tư hơn chút nữa thì tuyệt vời. Và hay nhất là 3D của phim làm rất ổn, tốt hơn Alice và hơn nhiều COtT. Kết hợn cả 3D và 3-D nên hình ảnh nổi khá rõ ràng trong suốt cả phim, hầu như không bị nhòe hình hay lệch màu, một số cảnh tạo hiệu ứng quăng đồ vật khá tốt, tuy nhiên không hiểu sao các cảnh cưỡi rồng - được lồng nhạc rất hay, tạo cảm hứng nhưng hiệu ứng 3D lại không rõ ràng, đáng tiếc. Dù sao thì HTTYD cũng là một sản phẩm xuất sắc của Dreamwork, chứ biết Shrek Forever After sẽ ra sao nhưng Dreamwork có thể tạm yên tâm khi mà đã có 1 cái tên đủ sức cạnh trang cho Oscar phim Hoạt hình - giả thưởnng mà Pixar đã độc chiếm 3 năm qua.

2. Đang xem Diệp Vấn 2, chưa có sub Việt, sub Eng thì dỏm nên chưa xem kĩ, nội dung thì xem trailer biết hết rỗi nên cũng không phải lăn tăn gì mấy. Nói chung là có khác biệt so với phần 1, đời thường hơn nhưng cảm giác không được như phần 1, dàn trải hơn, ít tập trung hơn, và hành động nhiều nhưng hơi thiếu chất hơn. Cụ thể thế nào chắc mấy hôm nữa sẽ có review chi tiết. Điều không hay nhất là lần này Diệp Vĩ Tín lại cho một màn đánh Tây vào cuối phim. Ở phần 1 Diệp Vấn đánh Nhật, giờ qua Hồng Kông lại đánh quyền Anh bảo vệ danh dự Tổ quốc, cái motif cũ mèm lặp đi lặp lại đến phát ngán, từ thời Tinh Võ Môn của Lý Tiểu Long, rồi của Lí Liên Kiệt, rồi Hoắc Nguyên Giáp, vừa rồi Tô Khất Nhi của Viên Hòa Bình lại cho vào... Cái hay hơn của Diệp Vĩ Tín là ông đầu tư nhiều hơn vào các chi tiết tiền trận đấu cũng như đối thủ, không chỉ là những cảnh đấu trên võ đài, và đối thủ của Diệp Vấn cũng ít "mọi" hơn chút đỉnh. Dù sao thì Diệp Vấn 2 cũng là một phim võ thuật đáng xem, bộ đôi Chân Tử Đan - Diệp Vĩ Tín vẫn không làm khán giả thấp vọng (có vẻ Diệp Vĩ Tín không có duyên với các phim phần sau, khi mà phần sau thường bị so sánh khôgn được nhưu phần trước. Trước đó Đảo Hỏa Tuyến - "phần sau" không chính thức của Sát Phá Lang cũng bị coi là không bằng, nay Diệp Vấn cũng vậy.)

3. Review Tây Sơn hào kiệt chán chê rồi, tiếp tục thấy phim bị lên thớt ở vài chỗ khác. Nhưng mà xem xong cái bài này, cứ tưởng mình review đã hơi quá tay rồi nay mới thấy có người cực đoan hơn nữa. Có lẽ người viết bài này tập trung xem và nhứo chi tiết phim rất kĩ nên khả năng ... moi móc tiểu tiết quả thật rất khá, nhưng hầu như chẳng có tí giá trị phê bình điện ảnh nào, và không nhìn thấy các vấn đề vĩ mô.

Có những ý kiến tương đồng với tôi và có thể chấp nhận được, nhưng bên cạnh đó nhiều ý kiến trong bài rất cực đoan. Phê phán bối cảnh phim như "Trong cảnh Thăng Long mở hội thái bình, Thăng Long đây là cảnh Đại Nam quốc tự Bình Dương, người xem bị chi phối bởi những chi tiết mái bêtông và đèn đá kiểu Nhật" thật sự là không cần thiết, rồi "Ống kính hồn nhiên thu vào những chi tiết khu giải trí dùng làm hoàng thành Lê triều, ximăng, gạch thẻ cứ dễ dàng lọt vào ống kính đủ cả" , cái này nên bắt lỗi tồng thể ở quay phim và dàn dựng bối cảnh, và nếu thế thì còn nhiều điều để nói hơn alf mấy cái chi tiết sạn cỏn con đấy. Rồi lại nói về phi logic của phim như "Lúc này nhân vật phim vẫn còn ở Bắc Hà, khó có chuyện thời ấy có thời gian đi ra biển Quảng Ninh hay Sầm Sơn mà dắt nhau lên ghềnh đá nghe sóng vỗ được" hay "việc mang hoa đào Thăng Long về thì những cành đào bằng nhựa, hạ cấp ý tưởng xuống mức minh họa dễ dãi cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng", rồi "đoạn giặc Thanh chạy qua cầu phao thì là một con sông bé tí như cái mương. Sông Cái mà chỉ bé thế thì giặc Thanh chẳng đến nỗi chết nghẽn nước và Tôn Sĩ Nghị phải cho chặt cầu phao", người viết biết đó là sự ước lệ quá đà do kịch bản đậm chất cải lương cũng như dàn dựng tồi, nhưng cũng không cần chỉ ra rõ đến như thế. Ước lệ nếu được biên kịch hợp lí thì vẫn tạo được hiệu quả nhất định, dù nó phi logic một cách trắng trợn, đó mới là điều đáng nói. Rồi lại còn "Trẻ con học lịch sử rành rành là Sầm Nghi Đống treo cổ tự tử ở sau gò Đống Đa nhưng trong phim thì bị chính Nguyễn Huệ (Lý Hùng) tiêu diệt!". Xin lỗi chứ khôgn hiểu người viết nghĩ thế nào mà cho rằng chi tiết này là điểm dở. Lịch sử vốn có nhiều nguồn khác nhau, ngay cả chính sử ghi lại cũng chưa chắc đã là chính xác, vì thế các chi tiết cụ thể đó vốn chẳng thể kiểm chứng được. Thêm nữa, đây là phim ảnh, nhất là phim mang tính ước lệ vốn đã cao nên sự sáng tạo, cường điệu là không tránh khỏi, miễn sao phù hợp và tạo hiệu quả cao nhất. Trên thực tế, đây là chi tiết mà tôi cho là sáng tạo đúng đắn của kịch bản. Bởi cả phim mô tả Sầm Nghi Đống rất là kiêu ngạo và khá ngu ngốc, ấu trĩ từ đầu đến cuối phim, chằng có chút gì là phong thái của một vị tướng cả. Nếu nhân vật đã như vậy nay lại cho một cái chết tiệu cực là treo cổ, thì không hiểu rốt cuộc Sầm Nghi Đống làm cái quái gì ở Thăng Long ngoài việc cười nói ha hả, chỉ chỏ, kêu gào linh tinh rồi chết queo ?!

Người viết phê bình nhiều như vậy, nhưng thực tế gía trị điện ảnh gần như không có, vì không chỉ ra được các vấn đề về chuyên môn điện ảnh, mà chỉ nói về những sạn về tính logic và thực tế là chính. Vậy mới thấy cái sự cực đoan của người viết thế nào. Đương nhiên tôi viết ở đây không có ý chê trách ai cả, chỉ là nêu quan điểm cá nhân về bài viết mà mình đã từng thực hiện cùng đề tài, hi vọng sau này sẽ ít phải đọc các bài viết chủ quan như vậy nữa.

4. Mùa phim hè lại sắp đến, chuẩn bị tốn tiền ra rạp rồi. Mở đầu tuần này là Iron Man 2, chiếu sau thế giới cả tuần nay rồi...

Vậy thôi ...
->Read More...

Thứ Bảy, 1 tháng 5, 2010

Review: Tây Sơn hào kiệt (2010)


Đầu tư 12 tỉ đồng, huy động một số lượng lớn diễn viên quần chúng cùng voi, ngựa, bối cảnh rộng lớn, được giới thiệu rùm beng trên báo chí truyền thông, là bộ phim cổ trang ra mắt sớm nhất trong số các dự án phim kỉ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội... Tây Sơn hào kiệt của đạo diễn Lý Huỳnh được kì vọng sẽ một tác phẩm hay về đề tài lịch sử của nước nhà. Tuy nhiên, hi vọng vẫn chỉ là hi vọng, 12 tỉ đồng cho bối cảnh, phục trang, diễn viên quần chúng ... cũng như cố gắng của các diễn viên chính đã bị chính kịch bản, biên kịch, chỉ đạo nghệ thuật và quay phim giết chết. Khách quan mà nói, Tây Sơn hào kiệt chỉ là cải lương dưới lớp vỏ phim ảnh, với vô số chi tiết cười ra nước mắt vì sự "lôm côm" đó.

Chú ý: bài này sẽ hầu như chỉ có chê với chê, vì thực tế người xem chưa thấy nên khen ở chỗ nào cả, và sẽ cố gắng không đi sâu vào tiểu tiết ...

Dựa trên kịch bản "Ngàn năm thương nhớ" của nhóm tác giả: Cao Đức Trường, Phạm Thùy Nhân và NSND Huy Thành, phim Tây Sơn hào kiệt kéo dài 90 phút, dựng lại một quãng thời gian trong cuộc đời hào hùng của Nguyễn Huệ - Quang Trung. Trong quãng thời gian đó, anh hùng Nguyễn Huệ chạm mặt và bắt đầu mối tình với Công chúa Ngọc Hân, Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc phò Lê - diệt Trịnh và phim kết lại với hình ảnh chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa lịch sử khi chỉ 10 vạn quân Tây Sơn đánh 20 vạn quân lính nhà Thanh, tiến đến giải phóng Thăng Long vào mùa xuân Kỷ Dậu 1789.

Với nội dung phim như vậy gói gọn trong 90 phút thì sẽ khó mà đi sâu được vào từng chi tiết. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là các chi tiết trong phim được xây dựng một cách cụt ngủn. Ngay từ đầu phim, khán giả đã được chứng kiến trận chiến quân Tây Sơn đánh chiếm phủ chúa Trịnh, để "show" Nguyễn Huệ cùng cả lố quân lính, đại bác. 6 phút phim, là cảnh giao chiến 1 cách lộn xôn. Sau đó, Nguyễn Huệ vào yết kiến Lê Hiển Tông, được vua phong chức. 10 phút. Sau đó, vua già yếu, cho gọi Ngọc Hân công chúa tới và nói sẽ gả cho Huệ, công chúa không ưng. 5-10 phút. Rồi từ đó cho đến khi công chúa và Nguyễn Huệ "kết" nhau và làm đám cưới, đâu có đúng 3 cảnh, 15 phút, chưa đến 20 câu thoại (lưu ý, 2 người kết hôn ko phải do ai ép buộc nhé - ít nhất là tôi thấy như thế). Từng cảnh quay, từng chi tiết vội vàng, sơ sài, cụt một cách đáng ngại, cứ như tất cả các chi tiết ấy chỉ là thủ tục cho có, cuối cùng là một kết quả hiển nhiên mà ai cũng biết rồi (!?), khỏi phải dài dòng làm gì. Điều này khiến cho bộ phim đậm chất cải lương - khi mà chi tiết quá ước lệ và giản lược, khiến cho khán giả cảm thấy khá hẫng và tức cười bởi sự sơ sài đó. Chi tiết Nguyễn Huệ và công chúa Ngọc Hân yêu rồi lấy nhau chỉ qua vài câu nói (dù trước đó Ngọc Hân ko biết gì về Nguyễn Huệ) như phim Mĩ. Cả đoạn phim mở đầu đánh nhau om sòm nhưng chẳng giới thiệu được lấy 1 câu Nguyễn Huệ là ai, rồi đến những cảnh hành quân, chiến đấu, hô hào quân sĩ... thỉnh thoảng chêm vào, nhân vật trong 1 cảnh nói vài ba câu rồi hết. Phim chuyển cảnh liên tục, khá giống với kiểu của Star Wars, phân chia đều đều thời gian xuất hiện của các nhân vật rồi cố nhồi nhét sao cho ai cũng có mặt, nhưng chẳng ai được nói đầy đủ. Không rõ là do kịch bản gốc như vậy hay biên kịch lố tay cắt xẻo chi tiết quá đáng, nhưng hậu quả của nó thật sự rất tệ.


Cụt ngủn và sơ sài, nhưng Tây Sơn hào kiệt vẫn có những thứ dư thừa, sến và cải lương. Thực ra nói thừa thì chưa hẳn đúng, mà là phân cảnh bất hợp lí thì hơn. Tỉ dụ như mấy cảnh luyện voi, ừ thì có tập võ cưỡi ngựa thì cũng có luyện voi chứ sao, nhưng đội tượng binh trong phim hầu như không có vai trò gì, cảnh cho vào không cần thiết. Chi tiết người dân ra đón quân Tây Sơn chẳng khác gì trên sân khấu tuồng chèo, nó giả tạo và bất hợp lí, không tạo được cảm xúc quân dân gì cả. Rồi những nhận vật, những chi tiết cố nhồi nhét vào rồi để đó hay gây bất hợp lí, như nhân vật Nguyễn Thiếp, Nguyễn Nhạc hay luyện tập Hùng Kê Quyền... Rồi những cảnh chiến đấu, ôi thôi chết cười với những cảnh chiến đấu trong phim, với vài chi tiết sáng tạo mà quả thật không hiểu làm sao giữa chiến trường mà có thể nghĩ ra được. Uhm, những điều đó để cho phần sau thì hơn.

Thoại phim là một thảm họa. Như trên đã nói, cảnh phim bị cắt xén tối đa, nên thoại nhân vật cũng vì vậy mà trở nên không thể ngắn hơn được nữa. Nhưng thoại ngắn mà lại rất dở. Vì nó lặp đi lặp lại, khuôn sáo và rỗng tuếch. Nguyễn Huệ, xuyên suốt các cảnh quay là những câu nói khách sáo như diễn tuồng, trên sa trường thì chỉ Tốt lắm, giỏi lắm ... này nọ, úy lạo quân sĩ thì ngoài mấy câu "Đánh cho sử tri nam quốc anh hùng chi hữu chủ" thì ... hết, còn mục đích, chiến lược, kế hoạch ... ư, quân sĩ và khán giả tự hiểu nhé. Cả phim, dù là nhân vật chính nhưng Nguyễn Huệ chẳng nói được mấy câu về binh pháp hay quân sự, nên dù cố miêu tả như một vị tướng nhưng Nguyễn Huệ trong Tây Sơn hào kiệt chẳng thể hiện được chút tài năng quân sự nào. Nhân vật chính đã như thế thì nhân vật phụ cũng chẳng khá hơn. Nhưng không rõ có phải vì là phụ hay không mà dù vẫn sáo và nhàm, thoại của các nhân vật phụ khác như công chúa Ngọc Hân, Lê Chiêu Thống lại thể hiện nhân vật khá phù hợp, vì cứ như tuồng hay cải lương là được rồi. Nói đến độ chuối trong thoại phải nói đến mấy tay giặc Thanh. Không hiểu tướng tá kiểu gì, mà nói nghe còn dởm hơn tuồng, loanh quanh cứ "tiến lên", "giết chúng", rồi giữa chiến trường ác liệt vẫn bình tĩnh đứng vô tư " Ngươi là ai, ta không giết kẻ vô danh tiểu tốt" - "Ra ngươi là Quang Trung, chỉ là giặc cỏ" - "Ta sẽ hóa kiếp cho ngươi", đến nản. Không rõ người viết kịch bản nghĩ thế nào, cứ thoại thế này trẻ con tiểu học xem còn thấy mắc cười nữa.


Cái sự đáng bàn tiếp theo chính là dàn dựng và chỉ đạo nghệ thuật của phim. Với sự đầu tư lớn về mặt nhân sự, phục trang, bối cảnh... như đạo diễn công bố thì dĩ nhiên khán giả sẽ kì vọng được thưởng thức sự đặc sắc của một bộ phim cổ trang đúng nghĩa. Quả nhiên ngay từ đầu phim, khán giả đã được thưởng thức những màn giao đấu khá hoành tráng với sự tham gia của rất nhiều quân lính 2 bên, có đại bác bắn ầm ầm, có khói lửa cháy nổ. Những sự hoành tráng lại được thể hiện bằng sự lộn xộn, nhộn nhạo một cách tệ hại. Dường như dàn dựng những cảnh chiến đấu lớn hay chỉ đạo diễn xuất cho nhiều diễn viên trong phim thật sự là quá sức, khi mà người ta không thể làm gì hơn dù có cả một lực lượng hùng hậu để sử dụng. Nhiều quân lính, nhưng đánh địch mà cứ lao vào thành cả đống người lố nhố, vung vít lung tung thì đánh đấm kiểu gì. Chỉ đạo võ thuật trong phim không rõ làm ăn thế nào, phim có bao nhiêu võ sư ... mà đánh đấm vẫn cứ như cải lương, khua vài phát rồi bay lên ngã xuống ... như phim. Lại còn cho Nguyễn Huệ bay bay nhảy nhảy như phim chưởng Hồng Kông nữa. Các cảnh đóng quân, hành quân với số lượng diễn viên khá lớn, nhưng dàn dựng bối cảnh khá tồi khiến cho quân lính bị dàn trải, không tập trung, không tạo được cảm giác đông đảo hùng tráng. Các cảnh chiến đấu như tấn công đồn Ngọc Hồi, quân lính ào ạt xông lên một cách vô tổ chức chẳng đâu vào đâu, tạo cảm giác ô hợp nhiều hơn. Sự ngây ngô bất hợp lí trong các các cảnh giao chiến rất nhiều, nhiều ở tầm vĩ mô luôn. Ai đời bên phòng thủ để bên tấn công bắn cung tên, đại bác qua ầm ầm, rồi khi địch đến gần bèn ... mở cửa xông ra đánh địch, bị te tua rồi mới ... quay lại bắn tên ra. Đang đánh nhau ác liêt, tự nhiên 2 tướng 2 bên đứng lại nhìn nhau, hỏi nhau như thật (đã dẫn thoại ở trên). Rồi Nguyễn Huệ còn nghĩ ra kiểu "tướng đánh với tướng" hệt như trong Tam Quốc, mà không hiểu rằng đây là một trận tập kích, địch bị tấn công bất ngờ, ta đánh nhanh tiêu diệt gọn không hơi đâu mà dừng lại chơi trò đấy như trong Tam Quốc, lúc 2 bên ở giữa chiến trường giao chiến trực diện. Có mấy cảnh bắn đại bác lặp đi lặp lại, voi ngựa chắc ít quá nên chẳng làm được gì mấy, chém nhau xài slow-mo mà cứ như bị giật hình. Kĩ xảo thì xem trailer biết rồi, hoàn toàn có thể thông cảm được, nhưng lỗi kĩ xảo cũng không lớn bằng lỗi chỉ đạo. Bối cảnh đồn Ngọc Hồi hay thành Thăng Long nhỏ hẹp thì có thể chấp nhận được do khách quan, nhưng những sai lầm trong dàn dựng và chỉ đạo như thế thì thật khó có thể hiểu được. Chưa kể còn hàng loạt sạn nhỏ lẻ tẻ mà nếu kể ra, chắc phải sa thải chỉ đạo nghệ thuật của phim luôn. Dường như chỉ đạo nghệ thuật của phim đã quen với các dàn dựng bối cảnh ước lệ trên sân khấu, nên với bối cảnh điện ảnh không có được sự chi tiết và tính chuyên biệt cần thiết (không phối hợp được với quay phim để tạo hiệu quả hình ảnh). Thật sự đáng tiếc.


Bên cạnh sự thất bại của chỉ đạo nghệ thuật còn có phần của quay phim. Ở những cảnh nhỏ, phim dùng rất nhiều cảnh cận, nhưng lại chẳng đặc tả được bao nhiêu diễn biến tâm lý của nhân vật, thậm chỉ lạm dụng một cách thái quá khi xài cảnh cận với công chúa, rồi chuyển sang quay ... cung nữ, rồi vụt cái lại quay công chúa, cứ như cố gom cảnh vào cho nhiều, trong khi những góc máy quay xung quanh nhân vật lại khá ít, gây cảm giác nhân vật luôn đóng phim trong 1 căn phòng vậy. Ở những đại cảnh lớn quay phim lại lạm dụng góc quay từ trên xuống nhằm thể hiện độ hoành tráng, nhưng xin lỗi cảnh thiên nhiên thì hoành tráng thật còn cảnh người thì phân tán lộn xộn. Góc quay kém đa dạng, thiếu sáng tạo, kết hợp với dàn dựng không ăn ý khiến cho hiệu quả hình ảnh của phim đạt được khá thấp. Tất nhiên cũng có một số cảnh quay đẹp như cảnh quay ngoại cung Lê Chiêu Thống, hay cảnh Nguyễn Huệ và công chúa Ngọc Hân trên thuyền rồng, nhưng đó là thiểu số. Âm thanh cũng không tốt, các cảnh chiến đấu âm thanh lộn xộn và chói tai, không đặc tả, âm nhạc chủ yếu là các bản nhạc hùng tráng nhưng nhiều chỗ dùng bất hợp lí, khiến hiệu quả âm thanh cũng không như ý (cụ thể ra sao các bạn tự xem phim và cảm nhận thì tốt hơn). Thêm 1 vấn đề khá cỗ hữu nữa, Nguyễn Huệ là người Bình Định, bộ sậu nhà Lê đều là người Bắc nhưng đều nói tiếng Nam, còn mấy cha nhà Thanh lúc thì chơi tiếng Việt, lúc chơi tiếng Hán, mỗi tội tiếng Hán nghe rất chói tai và khó chịu.


Diễn xuất của diễn viên bị chính kịch bản và biên kịch chèn ép. Thoại tệ hại và ngô nghê khiến cho diễn xuất của diễn viên dù thế nào cũng khó mà thể hiện hết được. Thêm nữa, biên kịch cắt xén cảnh quay quá nhiều nên phim chủ yếu là cảnh ngắn, diễn viên nói là nhiều còn diễn xuất nội tâm thì hầu như không có, hay nếu có thì lộ liễu một cách ấu trĩ và tầm thường. Bởi vậy cảm nhận nhân vật và diễn xuất không được sâu sắc. Nguyễn Huệ không thể hiện được tầm của một vị tướng tài, công chúa Ngọc Hân vẫn chỉ là một công chúa, một người vợ hiền bên chồng là tướng lĩnh. Có vai Lê Chiêu Thống cũng vợ là thể hiện khá tốt, không nhiều đất diễn nhưng khán gải cũng thấy được độ "ngu" của Lê Chiêu Thống và độ "gian" của Nguyễn Thị Kim. Còn về vai diễn Tôn Sĩ Nghị và Sầm Nghi Đống thì có vẻ đã tưởng tượng và phóng đại hơi quá đà, dù có là giặc nhưng chẳng ai nghĩ 2 tên tướng thống lĩnh tận 20 vạn địa quân lại ấu trĩ và ngu ngốc như trong phim được.

Tóm lại, Tây Sơn hào kiệt chỉ là cải lương dưới lớp vỏ phim ảnh, với vô số chi tiết cười ra nước mắt vì sự "lôm côm" đó. Từ kịch bản, nhân vật, dàn dựng bối cảnh, tình tiết ... đều phù hợp với sân khấu hơn là màn ảnh rộng rất nhiều. Có thể tôi hơi cực đoan khi đánh giá phim thấp như vậy, nhưng thực sự với những kì vọng của bản thân thì Tây Sơn hào kiệt là một tác phẩm gây thất vọng rất lớn, kể cả giá trị tư tưởng cũng hầu như không thể truyền tải được một cách thuyết phục. Hi vọng rằng những Thái sư Trần Thủ Độ, Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long sẽ thành công hơn và mang lại cảm tình về phim cổ trang Việt nhiều hơn đến cho khán giả.

Thông tin phim:

Tên phim: Tây Sơn hào kiệt
Thể loại: Hành động, Lịch sử
Kịch bản: Cao Đức Trường, Phạm Thùy Nhân, NSND Huy Thành
Đạo diễn: Lý Huỳnh
Diễn viên:

Lý Hùng ... Nguyễn Huệ / Quang Trung
Thùy Lâm ... Công cháu Ngọc Hân
Công Hậu ... Lê Chiêu Thống
Mộng Vân ... Nguyễn Thị Kim
NSND Thế Anh ... Nguyễn Hữu Chỉnh
NSND Đoàn Dũng ... Tôn Sĩ Nghị

Độ dài : 90 phút
Nhà sản xuất: Hãng Phim Hội Nhà Văn VN ->Read More...