Thứ Bảy, 19 tháng 6, 2010

Review: The Karate Kid (2010)


Có vẻ như quyết định đổi tên phim từ Kungfu Kid ban đầu về Karate Kid cho nó gần gũi phiên bản cũ là không cần thiết, bởi dù sao chuyện một cậu nhóc học Kungfu Trung Hoa bị gọi là Karate Kid cũng khá là kì cục, và phần nào làm giảm giá trị bộ phim. Và hơn thế, Karate Kid 2010 xứng đáng được gọi với tên chính xác của nó, bởi bộ phim thực sự đặc sắc và hấp dẫn mà không cần dựa trên tên tuổi của phiên bản cũ.

Dre Parker (Jaden Smith) là một cậu nhóc người Mĩ 12 tuổi, cậu chuyển đến Bắc Kinh cùng mẹ (Taraji P. Henson) để bắt đầu một cuộc sống mới. Ngày đầu tiên, cậu làm quen với Mĩ Anh (Hàn Văn Văn) - một cô bé xinh đẹp đang tập piano. Nhưng Thành - bạn của Mĩ Anh không cho Dre làm quen với cô bé, và Dre bị Thành và đồng bọn dần cho một trận. Sau đó khi đến trường, Thành tìm mọi cách bắt nạt Dre, khiến cậu trở nên chán ghét Bắc Kinh. Một lần bị đám bạn của Thành truy đuổi, Dre được ông Hàn (Thành Long) - một người đàn ông độc thân sống gần đó giải cứu. Là thợ sửa ống nước nhưng thật ra ông Hàn là một cao thủ ẩn mình. Sau đó, Dre được ông chấp nhận dạy võ thuật cho cậu để giải quyết mọi chuyện với Thành vào giải đấu võ thuật thiếu niên mở rộng, bù lại Thành phải hứa không được đụng đến Dre cho tới khi giải đấu bắt đầu...

Công bằng mà nói, Karate Kid 2010 không cần thiết phải mang tinh thần là phim làm lại, càng không cần phải giữ lại cái tên của phiên bản cũ một cách kì cục. Motif phim rất quen thuộc: một chàng trai được một cao thủ thu nạp làm đệ tử, không chỉ dạy võ thuật mà còn dạy những triết lí của cuộc sống, rất phổ biến vào các năm 90 ở Holywood cũng như trong các phim Hongkong. Mang danh là phim làm lại khiến cho bộ phim phải chịu áp lực dư luận khá lớn khi mà phiên bản cũ năm 1984 là một thành công vượt trội, không chỉ giúp sinh ra thêm 3 phần tiếp kiếm bộn tiền mà còn trở thành 1 biểu tượng cho dòng phim võ thuật của Holywood 1 thời, nhất là vai diễn của diễn viên Pat Morita quá ấn tượng. Làm lại một bộ phim võ thuật dành cho thiếu nhi là điều không hề dễ dàng, dù cho có thay đổi bối cảnh từ Karate sang Kungfu Trung Hoa thì người ta vẫn nghi ngờ liệu Karate Kid 2010 có phải là một bản sao nghèo nàn hay không, có truyền tải được cảm hứng của phiên bản trước hay không, bộ đôi Jaden Smith - Thành Long liệu có đem tạo nên hình tương được như Ralph Macchio và Pat Morỉa đã làm được hay không... Và khi bộ phim công chiếu, người ta tiếp tục nghi ngờ doanh thu hơn 50 triệu USD tại thị trường Bắc Mĩ của bộ phim. Vậy rốt cuộc Karate Kid 2010 có được như mong đợi hay không?


Có thể khẳng đinh ngay Karate Kid 2010 xứng đáng được gọi với tên chính xác của nó - Kungfu Kid, bởi bộ phim thực sự đặc sắc và hấp dẫn mà không cần dựa trên tên tuổi của phiên bản cũ. Karate Kid 2010 không quá tập trung vào võ thuật mà còn nói về những chuyện khác của tuổi mới lớn: việc tiếp nhận môi trường sống mới, bạn bè mới, những rung động đầu đời, những mâu thuẫn trẻ con, gánh nặng trách nhiệm của mỗi người... Vừa đậm chất hành động nhưng cũng rất tâm lý, tình cảm và hài hước. Xuyên suốt bộ phim là sự trưởng thành của nhân vật chính Dre, cậu học võ thuật nhưng cũng học cách sống, cách dối nhân xử thế, học tính kiên trì, quyết tâm, rồi triết lí về những lựa chọn trong cuộc sống... Đó là điều hấp dẫn nhất của bộ phim - khán giả chsu tâm theo dõi sự trưởng thành, thay đổi của nhân vật chính, cách nhân vật chính giải quyết vấn đề, cảm nhận được sự thay đổi của nhân vật chứ không quá quan trọng vào kết quả cuối cùng, vì kết quả gần như được định sẵn là happy ending rồi. và Karate Kid 2010 đã thực hiện điều này rất tốt. Nội dung phim được phân chia hợp lí, dẫn dắt mạch phim không quá nhanh hay quá chậm, các chi tiết, quan hệ trong phim được đầu tư nghiêm túc không thiếu hay thừa. Điều này khiến cho bộ phim không tạo cảm giác lê thê dù khá dài, các nhân vật trong phim được đầu tư đúng mức. Dù một số mâu thuẫn được giải quyết hơi nhanh cũng như chuyện tình cảm của 2 cô cậu Dre - Mĩ Anh có hơi đậm chất Mĩ nhưng điều đó không ánh hưởng nhiều đến mạch phim, cũng bởi phim thiếu nhi đòi hỏi giải quyết vấn đề cần đơn giản và nhanh chóng. Bộ phim đáp ứng đầy đủ các yếu tố về hành động - võ thuật, về tâm lý tuổi mới lớn nông nổi trẻ con, về tình cảm đầu đời ngọt ngào hồn nhiên, về triết lí con người... Sự thay đổi của nhân vật chính gắn liền với các bài học mà bộ phim gửi gắm tới khán giả, các bài học được truyền đạt trực tiếp nhanh gọn không cầu kì ẩn dụ gì cả, cũng không nặng nề giáo điều. Đây thật sự là thành công đối với một bộ phim võ thuật thiếu nhi.




 Không có nhiều điều để nói về võ thuật trong phim. Các màn giao đấu được thực hiện khá nhanh gọn dứt khoát, không hoa mĩ, đúng phong cách đánh lộn ngoài đời, thậm chí còn có phần hơi bạo lực nhờ âm thanh rất mạnh và có lực. Kungfu trong phim nói chung khá là tạp nham, không có đặc trưng như Karate hay các môn võ Trung Hoa như Vịnh Xuân, kết hợp nhiều đòn thế khác nhau, thậm chí cả đòn kẹp cổ thường thấy của Vovinam. Phương pháp dạy võ của Thành Long cũng giống như Pat Moriat ở phiên bản cũ: học từ những hành động quen thuộc hàng ngày, được thực hiện một cách tuần thục. Các màn giao đấu cũng rất ít, Dre chỉ chính thức thể hiện trình độ ở đại hội võ thuật cuối phim. Cảnh cuối cùng đại hội võ thuật thiến niên được dàn dựng rất quy mô tạo không khí hứng khởi, nhưng không được như mong đợi lắm. Các trận đấu diễn ra khá chóng vánh do các đòn đánh đều nhanh gọn, và so với các diễn viên còn lại, khả năng võ thuật của Jaden Smith đuối hơn hẳn khi đánh đấm không có lực nhiều, các đòn đánh còn lợi dụng kĩ xảo, đặc biệt là trận đấu cuối cùng thực sự quá nhanh và chiến thắng còn thiếu thuyết phục. Thêm nữa quay phim không tốt, thường chọn góc máy sau lưng và quay cận khiến cho các cảnh giao đấu không được rõ ràng ở cuối phim, một sự cố không đáng có chút nào.




 Jaden Smith đã có một vai diễn thực sự ấn tượng và đột phá. Dù chỉ mới 12 tuổi nhưng Jaden đã diễn xuất không chỉ tự nhiên mà còn rất bài bản, phong cách khá đa dạng, thể hiện hình ảnh một cậu bé Dre với nhiều cảm xúc khác nhau quá xuất sắc, khác hẳn với 2 vai diễn trước của cậu. Có những chi tiết rất nhỏ nhưng lại thể hiện khả năng diễn tinh tế của cậu như cảnh Dre bị đánh bị thương chân trái ngay trước trận chung kết. Còn diễn xuất của Thành Long thì không được như mong đợi cho lắm. Nhân vật ông Hàn - người đàn ông độc thân chịu sự dày vò của lỗi lầm quá khứ không tạo được ấn tượng như hình tượng ông lão phúc hậu của Pat Moriat, và cũng không phù hợp với diễn xuất của Thành Long vốn quen thuộc với các vai hài hước. Các nhân vật khác diễn xuất tròn vai, có đủ đất diễn nên cũng rất ổn. Vai nữ chính của Hàn Văn Văn dù có hơi Mĩ hóa quá nhưng phải nói là rất xinh (và cô bé có một màn dance rất chi là đặc sắc) :D

Âm thanh và hình ảnh cũng rất đáng khen ngợi. Các danh lam thắng cảnh của Trung Quốc lên phim rât đẹp và hùng vĩ, đậm chất Á Đông. Bối cảnh bình thường cũng được đầu tư tốt. Nhạc phim sử dụng kết hợp giữa âm nhạc Trung Quốc và Mĩ, ban đầu có cảm giác không phù hợp cho lắm nhưng càng về sau, càng thấy ấm nhạc được lồng ghép khá chính xác với diễn biến bộ phim và mang ý đồ riêng, nhất là cảnh cuối phim ở đại hội võ thuật, nhạc phim rất mạnh mẽ, sôi động, tạo không khí hứng khởi. Không có gì phàn nàn về không khí do phim mang lại.




Karate Kid 2010 thực sự là một bất ngờ, một điểm sáng đáng chú ý giữa mùa hè khi mà các bom tấn khác đều chưa gây được tiếng vang nào đáng kể. Có thể không được thành công như phien bản gốc, nhưng Karate Kid 2010 hoàn toàn có thể tự hào đứng bên cạnh với cái tên chính xác hơn - Kungfu Kid - như một tác phẩm độc lập mà không sợ bị ảnh hưởng bởi tên tuổi và cái bóng quá lớn của người tiền nhiệm.

Đánh giá: 7,7

Thông tin phim:

Tên phim: The Karate Kid
Thể loại: Hành động, Võ thuật, Tâm lý, Tình cảm, Hài
Kịch bản: Christopher Murphey, Robert Mark Kamen
Đạo diễn: Harald Zwart
Diễn viên:

Jaden Smith ... Dre Parker
Jackie Chan ... Mr. Han
Taraji P. Henson ... Sherry Parker
Rongguang Yu ... Master Li
Zhiheng Wang ... Meiying's Mom
Zhenwei Wang ... Cheng

Hãng sx: Overbrook Entertainment/Columbia Pictures
Độ dài : 140 phút ->Read More...

Thứ Bảy, 5 tháng 6, 2010

Review: Prince of Persia: The Sands of Time (2010)


Học tập theo phong cách của Pirates of the Caribbean, thêm một chút chất phiêu lưu của National Treasure, bối cảnh gợi nhớ đến The Scorpion King, sự xuất hiện của Gemma Arterton mang bóng dáng của Clash of the Titans... Không chỉ trông "giông giống" các bộ phim cũng thể loại khác, Prince of Persia: The Sands of Time (PoP) còn tạo cho khán giả một cảm giác khó tả khi phải khen chê lẫn lộn bởi những chi tiết hay dở lộn xộn của mình.

Prince of Persia: The Sands of Time là bộ phim mới nhất của Walt Disney, dựa trên series video game phiêu lưu, hành động Prince of Persia. Bộ phim nói về Dastan (Jake Gyllenhaal), một cậu bé bui đời được hoàng đế Ba Tư Sharaman nhận nuôi khi còn bé. 15 năm sau, Dastan lúc này đã lớn, cùng với 2 hoàng huynh của mình là hoàng tử Tus (Richard Coyle) và Garsiv (Toby Kebbell) đem quân tấn công thánh địa Alamut, khi Nizam ((Ben Kingsley) - em trai của đức vua và là chú của họ cáo buộc thánh địa đã bán vũ khí cho kẻ thù của Ba Tư. Alamat thất thủ, công chúa Tamina (Gemma Arterton) - người đứng đầu thánh địa bèn giao cho cận vệ của mình đem báu vật của thánh địa bỏ trốn, nhưng Dastan lại đánh gục người đó và giành được báu vật - một con dao găm. Vua Sharaman đến Alamut, Tus khuyên Dastan hãy tặng vua một bộ lễ phục để mừng chiến thắng. Tuy nhiên bộ lễ phục là một cái bẫy, vua Sharaman mặc thử vào bèn bị bỏng đến chết, Dastan bị khép vào tội giết vua. Tamina đã giúp Dastan chạy thoát khỏi vòng vây quân Ba Tư, và tìm cơ hội dành lại con dao găm Dastan đang giữ. Trong 1 lần Tamina định cướp lại báu vật, Dastan bất ngờ phát hiện ra khả năng kì diệu của con dao - chuôi dao có chứa 1 loại cát có khả năng đưa người cần nó quay ngược thời gian. Dastan và Tamina lúc này phải cùng nhau bước vào một cuộc phiêu lưu nhằm chứng minh sự vô tội của mình và bảo vệ con dao găm - bảo vật thời gian khỏi mưu đồ của kẻ đứng sau tất cả ...


Các bộ phim dựa theo video game (và ngược lại, các video game ăn theo phim) hầu như chưa bao giờ được đánh giá cao. 2 nền công nghiệp giải trí bạc tỉ này vẫn chưa tìm thấy sự kết hợp sao cho tương xứng. Khỏi cần nhắc lại lịch sử chẳng mấy sáng sủa này nữa. Chính bởi điều đó mà khi từ khi được lên kế hoạch cho đến khi công chiếu, PoP đã nhận được không ít sự chú ý lẫn dư luận. Cái tên PoP đã quá nổi tiếng trong thế giới game, một series video game phiêu lưu, hành động mang bối cảnh Ba Tư huyền bí với cốt truyện hấp dẫn, kì ảo, gameplay đặc sắc mang đặc trưng riêng..., vì thế khi lên mà ảnh rộng bộ phim PoP vừa gây được sự chú ý đặc biệt nhưng cũng phải chịu áp lực không kém từ chính video game mà mình dựa theo. Có vẻ như ấn tượng chẳng mấy tốt đẹp về phim dựa theo game cũng ám PoP không ít, thể hiện qua doanh thu khá thê thảm trong tuần đầu dù đầu tư tới 200 triệu, mang danh "bom tấn" chính hiệu lại được Jerry Bruckheimer đỡ đầu. Mà thôi, dù là fan của PoP game hay không thì cũng nên xem qua PoP film, nếu như có lỡ không ưa vì không được nhu mong đợi thì chắc cũng giải trí tốt. Nói trước là tôi chưa từng chơi qua bản game PoP nào cả (có chơi qua bản 2008, nhưng nghe nói mất chất hơi nhiều), nên mọi ý kiến đánh giá đều là ý kiến chủ quan của khán giả xem phim đơn thuần chứ không phải game thủ gì đâu, và cũng không liên hệ so sánh với game gì hết, xem với tinh thần thư giãn giải trí là chính.


PoP có cốt truyện về cơ bản rất đơn giản: chàng hoàng tử trẻ tuổi bị vu oan, phải chạy trốn để tìm cơ hội chứng minh sự vô tội của mình. Rồi chàng vô tinh bị cuốn theo nhiệm vụ phải bảo vệ báu vật cùng nàng công chúa xinh đẹp... Không chỉ cốt truyện chính như vậy, mà các chi tiết, các mối quan hệ, các mâu thuẫn, cao trào... cũng được xây dựng rất đơn giản mực thước, dễ đoán trước với tinh thần giải trí là chính. Tiết tấu phim khá nhanh và đều, các chi tiết không quá cần thiết đều được loại bỏ nhằm tập trung cao độ cho nội dung chính. Bên cạnh đó là một xuất phẩm của Disney, Pop cũng đưa ra những triết lí, bài học cho khán giả, nhưng không cần vòng vo hoa mĩ gì mà để nhân vật nói thẳng luôn từ đầu phim, và khán giả có thể tự trải nghiệm điều đó đến khi xem hết bộ phim. Đây là điểm đáng khen của PoP khi phim xác định được mục tiêu cụ thể của mình là giải trí, không tham lam đòi hỏi cốt truyện sâu sắc hay triết lí gì quá cao siêu, bất ngờ, chỉ đầu tư vào điểm mạnh của mình nhưng vẫn đảm bảo các yếu tố cơ bản khiến khán giả không thể phàn nàn. Từ đầu đến cuối phim là một cuộc phiêu lưu thật sự của chàng hoàng tử Dastan và công chúa Tamina, trải qua hết khó khăn này tới thử thách khác, để rồi cuối cùng đạt được một cái kết có hậu nhất. Thậm chí ai là kẻ chủ mưu, âm mưu của hắn như thế nào cũng rất dễ dàng để nhận ra. Có hành động, có phiêu lưu, có tình cảm, có mâu thuẫn và giải quyết triệt để, có cao trào bất ngờ... đều được phân bố khá hợp lí trong suốt mạch phim. Một nền tảng cơ bản khá ổn, vậy nhưng đạo diễn có biết tận dụng điều đó hay không?


Nhận xét về PoP, đây là một bộ phim khiến người xem nhớ tới nhiều tác phẩm cũng thể loại khác. Phong cách hài hước, vui nhộn trong các câu thoại của nhân vật ở series Pirates of the Caribbean được đạo diễn Mike Newell tận dụng triệt để, bối cảnh Ba Tư cổ đại có nhiều nét tương đồng với The Scorpion King (và nếu kĩ tính, thì không chỉ bối cảnh, có rất nhiều chi tiết giống nhau giữa 2 bộ phim này, mà nếu thay đổi nhân vật không chừng sẽ khó nhân ra được đâu với đâu), sự xuất hiện của Gemma Arterton gợi nhớ về Clash of the Titans (dù PoP không đi sâu vào thần thoại). Ra đời sau các tác phẩm cùng thể loại không tránh khỏi việc tiếp thu những nét đặc sắc và có điểm tương đồng, nhưng PoP vẫn là PoP, và may mắn là việc học tập đấy cũng có điểm tích cực. Thoại trong phim thường ngắn gọn, dễ hiểu nhưng rất hài hước, tự nhiên chứ không cứng nhắc, khuôn sáo, thể hiện được bản tính và suy nghĩ của nhân vật tại mỗi thời điểm khác nhau. Và đặc biệt phim hầu như rất ít các tình huống chọc cười, chính thoại phim đã tạo nên không khí vui vẻ thoải mái cho khán giả. Dù đôi lúc vài câu nói về "tình cảm anh em" có vẻ hơi sến nhưng không quan trọng. Một chi tiết thành công nữa của PoP (dù thoại phim chưa thể tạo được nét đặc trưng riêng biệt như Pirates of the Caribbean). Một vài chi tiết về việc bảo vệ báu vật bạn có thể sẽ thấy thấp thoáng đâu đó trong Indiana Jones hay National Treasure. Nếu đã xem The Scorpion King, bạn sẽ thấy nếu đổi lại nhân vật hoàng tử Ba Tư thành vua Bọ Cạp, thì PoP rất có thể sẽ trở thành một Scorpion King sequel, bởi nhiều điểm tương đồng đến kì lạ, từ diễn viên, nội dung, phong cách phim đến bối cảnh, chi tiết ... Tất nhiên cái này chỉ là liên tưởng vui thôi, nhưng điều đó nói lên rằng PoP vẫn chưa tạo nên được đặc trưng cho riêng mình, phong cách của phim vẫn còn bị lai tạp kha khá mà chưa bứt ra được cái bóng quá lớn của những bậc đàn anh.


Điểm thu hút của PoP còn là những pha hành động, leo trèo, những phép thuật bí ẩn, những cuộc phiêu lưu đầy kịch tính... Về mặt này thì phim "gần như" đã hoàn toàn thỏa mãn được kỳ vọng của khán giả. Chàng hoàng tử Dastan được tự do thể hiện những kỹ năng của bản thân trong suốt cuộc hành trình của mình, từ leo tường thành không cần dây đến những pha truy đuổi, leo trèo trên mái nhà mang phong cách parkout, rồi những màn đấu kiếm, bay nhảy... Phải nói Pop rất có tiềm năng khi đã sáng tạo ra những chi tiết hành động và hài hước khá mới mẻ như tập đoàn sát thủ Hassassin hay màn đua đà điểu, nhằm đem lại những trải nghiệm mới mẻ cho khán giả và xây dựng phong cách riêng. Nhưng tiếc rằng có tiềm năng nhưng lại chưa phát huy được. Những chi tiết sáng tạo đó vẫn còn hạn chế, các màn leo trèo hay truy đuổi của hoàng tử chưa đủ ấn tượng, được khéo léo che đậy bằng góc quay cận và cắt cảnh nhanh (khá là nghịch lí khi 1 phim mang tính thần thoại như PoP lại không được đã mắt bằng 1 phim hành động bình thường như District 13), các màn giao đấu với tập đoàn sát thủ thì khá ngắn (không rõ có cắt xén gì không mà người viết thấy đôi khi phim bị chuyển cảnh rất đột ngột, đang đánh nhau trong hang thì quay ngoắt 1 cái đã thấy ra ngoài rồi?), màn solo đấu phi đao cuối phim nếu được đầu tư hơn nữa theo phong cách phim chưởng Tàu thì tôi nghĩ sẽ hấp dẫn hơn nhiều, vì dù sao cũng là phim thần thoại, ảo thì ảo luôn tội gì phải lăn tăn. Dựa vào video game nhưng phim lại không dám mang phong cách hành động kì ảo của game vào phim, vô tình làm giảm đi sự hấp dẫn cũng như một phần phong cách của chính bộ phim.

Một điều đáng khen nữa của PoP là hệ thống nhân vật. Ngoài 2 nhân vật chính là hoàng tử Dastan và công chúa Tamina, các nhân vật còn lại đều được xây dựng khá đồng đều, mỗi nhân vật đều có nét đặc trưng riêng và có đủ đất diễn, không có ai quá mờ nhạt hay quá coi trọng. Thậm chí có những nhân vật như vai hoàng tử Garsiv của Toby Kebbell, xuất hiện ít, thoại cũng ít nhưng diễn xuất bằng gương mặt rất tốt, khiến người xem cảm nhận được phần nào suy nghĩ, vai trò của nhân vật dù anh không nói lời nào. Vai phảm diện Nizam của Ben Kingsley có thể chưa đủ sức nặng, nhưng đặt trong hoàn cảnh bộ phim thì cũng hoàn toàn có thể chấp nhận được (phim thiếu nhi giải trí). Các diễn viên cũng hòan thành tốt vai trò của mình. Gương mặt vui vẻ luôn cười có phần hơi ... ngố của Jake Gyllenhaal vào vai chàng hoàng tử bị hãm hại háo ra lạ khá phù hợp, chưa kể Jake cũng rất có duyên pha trò. Đáng khen cho Jake là dù trông khá to con nhưng anh vẫn thể hiện các pha leo trèo khá điêu luyện, không có cảm giác nặng nề gì cả. Chỉ duy một điều giá mà Jake bụi bặm hơn chút nữa, đen đúa hơn chút nữa thì sẽ giống người Ba Tư hơn. Gemma Arterton lần này so với vai diễn Io trong CotT thì vượt trội hơn hẳn, diễn xuất tự nhiên, đa dạng hơn, phá cách hơn hẳn, nhưng cảm giác rằng Gemma trong hình tượng công chúa Tamina không phù hợp bằng Io trong CotT. Các diễn viên khác đều đóng đạt vai của mình, có vai tay trùm sát thủ thì ra đi sớm quá, hơi đáng tiếc.


Khen đủ rồi, giờ đến chê. Không muốn nói điều này chút nào, như PoP lại khiến tôi thất vọng ở chính hình ảnh và âm thanh. Lấy bối cảnh Ba Tư cổ đại, với cốt truyền huyền ảo từ video game, tôi đã hi vọng bộ phim sẽ mang đến những cảnh quay đẹp, hoành tráng, những đền đài, thành quách kì vĩ... Nhưng đáng tiếc, tất cả những gì phim làm được chỉ là một thánh địa Alamut quá bình thường, không có gì đặc biệt, các đại cảnh hoành tráng thì toàn là sa mạc cát hoang vu, các trận chiến lớn thì không có, những lâu đài, thành quách thì cũ kĩ, nới cất giữ báu vật thì nói đến khá sơ sài, chưa đủ mãn nhãn... Tôi nói PoP giống với Scorpion King cũng bởi một phần như thế, so với những gì Scorpion King đã thể hiện thì PoP hầu như không có đổi mới gì đặc biệt. Âm thanh của phim cũng không tốt, chưa có nét đặc trưng, không tạo được không khí cho bộ phim. Và về nội dung phim, dù được đầu tu khá tốt nhưng vẫn có điểm trừ không đáng có, mà điểm trừ lại đến từ chính ý tưởng đến từ video game:Dòng cát thời gian. Ý tưởng về dòng cát thời gian và Đồng hồ cát rất thú vị nhưng không được khai thác triệt để, khiến cho khán giả khi xem xong vẫn phải thắc mắc rốt cuộc vai trò của Đồng hồ cát và người bảo vệ là như thế nào, dòng cát có tác dụng quay ngược thời gian nhưng cũng là để phá hủy thế giới rốt cuộc ra sao..., những câu hỏi đáng ra không nên xuất hiện. Và đôi lúc câu chuyện diễn biến hơi quá nhanh, hành động theo tâm lý "niềm tin" không được tự nhiên và không cần thiết lắm (như chi tiết Dastan phát giác ra Nizam là kẻ chủ mưu), nhưng so với vấn đề ở trên thì vẫn có thể bỏ qua được. Đến khi viết xong những nhận xét này, người viết vẫn chưa thể hiểu được rốt cuộc kết phim tại sao lại có thể diễn ra như vậy ?!.


Thật không công bằng khi gắn cái mác "phim ăn theo" cho PoP. Dựa trên 1 video game, dù chưa thể hiện được hết những điều đặc sắc của game cũng như còn bị ảnh hưởng bởi các tác phẩm đàn anh nhưng PoP vẫn xứng đáng là một bom tấn giải trí màu hè đáng xem, và nhất là có thể tự hào rằng mình thành công mà không cần dựa vào tên tuổi của dòng game PoP (thực ra tên tuổi càng lớn chỉ càng gây áp lực lớn hơn mà thôi). Giả như PoP là một dự án độc lập với PoP game, nếu được đầu tư thêm chút nữa thì tôi tin rằng PoP rất có tiềm năng để trở thành 1 series phim phiêu lưu, hành động đặc sắc như Pirates of the Caribbean. Còn bây giờ, hãy cứ để khán giả toàn thế giới đón nhận PoP và xóa đi ác cảm về cái gọi là "phim ăn theo" đã...

Đánh giá: 7,5

Poster phim:

imagebam.com imagebam.com imagebam.com
imagebam.com imagebam.com imagebam.com
imagebam.com imagebam.com imagebam.com

Thông tin phim:

Tên phim: Prince of Persia: The Sands of Time
Thể loại: Hành động, Phiêu lưu, Thần thoại, Tình cảm, Hài hước
Kịch bản: Jordan Mechner (story), Boaz Yakin, Doug Miro
Đạo diễn: Mike Newell
Diễn viên:

Jake Gyllenhaal ... Dastan
Gemma Arterton ... Tamina
Ben Kingsley ... Nizam
Alfred Molina ... Sheik Amar
Steve Toussaint ... Seso
Toby Kebbell ... Garsiv
Richard Coyle ... Tus

Hãng sx: Jerry Bruckheimer Films/Walt Disney Pictures
Độ dài : 116 phút ->Read More...

Thứ Ba, 1 tháng 6, 2010

Bảo vệ tốt nghiệp ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội 2010


Hè lại về ... Trước mùa thi tuyển sinh ĐH, CĐ, THPT... để gom tân sinh viên, học sinh là các lễ tốt nghiệp để đuổi bớt lũ học sinh, sinh viên cũ ngồi dí trong trường mấy năm rồi cho rảnh nợ. Hôm nay rảnh rỗi vừa đi xem mấy cái bảo vệ tốt nghiệp của lớp Biên kịch, Đạo diễn với Quay phim trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội khóa 26, niên khóa 2006-2010. Trường người ta chẳng liên quan gì đến mình, mà cái trường cũng bé tí nên nói sơ thôi...

Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội tiến hành bảo vệ tốt nghiệp dàn trải từ 10/5 đến 13/6, nhưng đáng kể chỉ có các lớp Đạo diễn, Biên kịch, Quay phim và Lý luận ĐA từ 31/5 đến 2/6. Trong đó lớp Biên kịch tiến hành bảo vệ trong sáng, chiều 2 ngày 31/5 và 1/6, lớp Đạo diễn và Quay phim tiến hành chiếu phim tốt nghiệp ngày 31/5, bảo vệ ngày 1/6, lớp Lý luận ĐA thì thôi hôm đấy đi học mất rồi, mà nghe lý luận mình cũng không ham lắm. Hôm nay tranh thủ đi chút, ban đầu chủ yếu là xem lớp Biên kịch của anh Dương (Cậu ấm ngây thơ) bảo vệ tốt nghiệp như thế nào (và xem trường đào tạo điện ảnh nso thế nào, có học hỏi được tí gì không), tuy nhiên 2 lớp Quay phim với Đạo diễn lại tiến hành chiếu phim tốt nghiệp song song ở 2 phòng chiếu nữa, ham quá nên cứ lượn qua lượn lại mỗi phòng 1 tí. Đùa chứ ai lại làm song song cả 3 lớp 1 lúc thế này,xem cái này lại mất cái kia, thành ra chả có cái gì hoàn chỉnh, nghe bảo vệ lớp Biên kịch cũng chỉ lõm bõm được 4,5 cái kịch bản (hôm nay làm 8 cái, mai nốt 7 cái), lượn qua lớp Đạo diễn coi được có 3 cái phim ngắn, lớp Quay phim cũng chỉ được 3/14 hay 15 gì đấy (có cái list ở đấy mà chụp hơi mờ, mai qua chụp lại), tiếc vật vã, vì trong số 6 phim được coi có mấy cái rất hay, thú vị, đáng nói. Để mấy hôm nữa coi hỏi anh Dương xem có cop về được không xem qua học hỏi chút.

 Lớp Biên kịch là lớp duy nhất hôm nay bảo vệ, về phía thành phần GV thì toàn là các nhà biên kịch, gồm có NBK Đoàn Minh Tuấn, NBK Đinh Thiên Phúc, NBK Trịnh Thanh Nhã, NBK Đoàn Trúc Quỳnh và NBK Nguyễn Anh Dũng. Các thầy cô thay phiên nhau thực hiện hướng dẫn và phản biện. Các sinh viên lần lượt nên trình bày qua kịch bản, rồi đến ý kiến của gv hướng dẫn, sau đó gv phản biện sẽ nhận xét đánh giá, các gv khác nêu ý kiến nếu có, cuối cùng gv chủ nhiệm sẽ có ý kiến cuối cùng. Trung bình 1 kịch bản được bảo vệ trong hơn 1 giờ. Các kịch bản hôm nay thì tôi không có được đọc, chỉ được nghe qua ý tưởng thì có 1 kịch bản lịch sử lấy bối cảnh kháng chiến chống quân Nguyên thời Trần, nhưng thiên về tâm lý hơn hành động (kb An Tư công chúa), 1 kịch bản phim thiếu nhi, ý tưởng không mới mẻ gì cho lắm (2 chú bé), 1 kịch bản tình cảm hài cũng hơi quen quen làm dịp Tết chắc cũng ổn (Tìm chồng), 1 kịch bản chính luận phê phán hiện thực xã hội ở vùng nông thôn thời kì đổi mới theo phong cách Chuyện làng Nhô, Gió làng kình ... (Mục đồng mất trâu), còn lại là kb tâm lý xã hội chủ nghĩa bình thường với motif cũ (chắc thế)(Ngôi nhà lửa, Nhà chật...). Nói chung các kịch bản đầu tiên như An Tư công cháu, 2 chú bé, Tìm chồng ... được đánh giá khá tốt, các kịch bản sau như Nhà chật, Mục đồng mất trâu bị đánh giá kém hơn hẳn (Mục đồng mất trâu còn bị đập khá tơi tả vì viết "hồn nhiên" đến mức đen tối, kinh tởm và hơi có phần "bôi nhọ chế độ"). Sinh viên ngoài giới thiệu ban đầu ra thì hầu như không có cơ hội nói, vì trong suốt thời gian bảo vệ chủ yếu là các gv - các nhà biên kịch phân tích và bình luận về kịch bản cũng như về quá tình của sinh viên, có cái gì hay, cái gì dở, phát triển ra sao thay đổi thế nào... Phải nói là nghe các thầy các cô nói rất vui. Kiến thức, kinh nghiệm xã hội rộng rãi, khả năng trình bày đầy thuyết phục, nhận xét toàn diện về nhiều mặt, không chỉ về mặt kỹ thuật mà còn về ý tưởng thực tế. Mỗi kịch bản được đầu tư, liên hệ với thực tế ra sao, sinh viên viết ra là người thế nào, đề tài nên chọn liệu có phù hợp hay chưa, dẫn dẳt cốt truyện, diễn biến ... tất cả đều được trình bày chi tiết. MÀ được cái các thầy cô cứ chém nhiệt tình, chém tơi tả thì thôi, có mấy mông sinh viên học 4 năm trời quen tính quá rồi mà, nên có nghe chửi thì cũng thấy nó vui vui, vì lâu rồi tôi không có cơ hội thấy giáo viên đại học lại nắm rõ tình hình sinh viên cua rmình được như thế. Không cần phải hiểu biết nhiều về chuyên môn biên kịch, những ý kiến phê bình, nhận xét của các thầy cô cũng rất bổ ích và hấp dẫn, thực tế. Công bằng mà nói, ngồi nghe các thầy các cô nói suốt mấy tiếng đồng hồ tuy có hưoi buồn ngủ thật nhưng cũng rất đáng.


Học hỏi được chút kiến thức điện ảnh lẻ tẻ của các thầy cô. Chỉ làm cái kịch bản thôi mà từ ý tưởng cho tới kịch bản hoàn chỉnh thì còn xa lắm, 4 năm học Biên kịch chưa chắc đã đủ để viết 1 cái kịch bản ra hồn, rồi thì kb của ta còn vướng cái tư duy xã hội chủ nghĩa (cứ kiểu motif thiện thắng ác thua thẳng đuồn đuột, cuối phim kẻ ác toi, giá trị xem lại không cao), nhưng lại đừng "manh động", "bất đồng chính kiến" quá, vì biên kịch thì đầu tiên phải đảm bảo kịch bản có thể qua cửa kiểm duyệt để được lên phim (ở Mĩ, yêu cầu kịch bản là khán giả có thích hay không; ở châu Âu thì yêu cầu nhân vật có cá tính hay không, còn ở Việt Nam yêu cầu có qua được kiểm duyệt hay không ?!). Sinh viên ở cùng nào thì nên làm kịch bản về nơi đấy, con người vùng đấy, đi sâu vào tính cách, con người đặc trưng của mỗi vùng miền mà mình sống, mình hiểu và cảm nhận được đầu tiên, dù phim làm theo đề tài gì, thể loại nào. Nên đi vào các chủ đề dễ tạo nên thương hiệu đặc trưng cho vùng miền nói chung và Việt Nam nói riêng, dựa trên thế mạnh sẵn có như ẩm thực ...Kịch bản điện ảnh 1 phim nhựa dài được coi tương đương 4,5 phim ngắn, phim ngắn có diễn biến, xung đột thế nào phim dài phải gấp 4,5 lần cỡ đó. Một ý tưởng kịch bản nói cơ bản thì luôn tuân theo 4 câu hỏi: 
- Nhân vật  là ai? 
- Nhân vật gặp phải xung đột gì? 
- Nhân vật giải quyết ntn? 
- Nhân vật chuyển biến ra sao? (hình như thế)
rồi từ ý tưởng thành 11 cái kịch bản còn phải qua đủ thứ, chỉnh sửa đủ thứ sao cho hợp lí, đòi hỏi kiến thức chuyên ngành, kinh nghiệm xã hội, khả năng viết lách .....
 

Nghe chán thì tôi lê la qua 2 phòng chiếu đang chiếu phim tốt nghiệp của 2 lớp Biên kịch và Đạo diễn. Hờ hờ nhìn 2 cái phòng chiếu dù ko to như ở rạp nhưng mà cũng đủ thích mê, ghế ngồi thoải mái, điều hòa mát rượi, gái mà có cái phòng ngồi xem phim như thế thì sướng thật. Có vè xem phim hấp dẫn hơn nghe bảo vệ nên 2 phòng chiếu thường xuyên kín chỗ (dù cái trường này mỗi lớp chỉ có 1 dúm), bên Biên kịch thì thường xuyên còn phân nửa chỗ. Mới xem phim nên chưa bình luận gì, có 1,2 phim hay, 1 vài phim dở, còn lại thì xêm xêm không dở cũng không hay lắm. Khi nào rảnh thì review qua cũng hay. Giờ thì muộn rồi, đi ngủ. Tạm vậy đã ...

Một vài hình ảnh:


Khu vực bảo vệ tốt nghiệp lớp Biên kịch


Panô của lớp


Danh sách kịch bản tốt nghiệp và sinh viện bảo vệ


Các giáo viên tham gia bảo vệ NBK 


Sinh viên lớp Biên kịch trong lúc chuẩn bị


Lên trình bài kịch bản ...


Phòng chiếu phim lớp Quay phim, trông ngon thật ...


Danh sách phim tốt nghiệp lớp Quay phim


Cơ sở liên kết nhìn từ cơ sở cũ của trường


Tôi đây, sinh viên Thương mại đi xem sinh viên Điện ảnh làm tốt nghiệp như thật, tự do như ruồi ...
->Read More...

Thứ Sáu, 14 tháng 5, 2010

No Cannes. MTV is funnier!


Cannes 2010 đang diễn ra. Với một người sính đồ giải trí hơn nghệ thuật như tôi thì Cannes không phải là một sự kiện gì đáng quan tâm lắm, không nhiều phim được giới thiệu ở Cannes có cơ hội được công chiếu hay phát hành rộng rãi, và dù có thì đa số không hợp gu của bản thân nên ngại tìm xem. Lần này thì thấy có bác Tim Burton làm Chủ tịch với Robin Hood chiếu mở màn ra thì chưa thấy có cái tên nào mà tôi đáng phải chú ý. Thôi kệ, không hợp thì thôi không cần cố quá làm gì, quan tâm cái khác hơn. Còn cả lố phim chưa kịp xem, rồi bao nhiêu việc khác nữa... 21 này Mega chiếu Robin Hood, cũng rảnh chắc đi coi. Phim của Ridley Scott thì nếu ko xuất sắc thì chắc cũng không dở, nhưng tôi khá là nghi ngờ sự thành công của Robin Hood. Đùa chứ chưa biết phim nó thế nào, nhưng riêng việc casting Russell Crowe với Cate Blanchett tôi đã thấy chán rồi. Russell Crowe hồi Gladiators trông nam tính đẹp trai phong độ là thế, giờ già rồi trông rệu quá, khác biệt hòan toàn so với hình tượng Robin Hood từ trước đến giờ của tôi. Cate Blanchett cũng vậy, đóng Elizabeth thì chuẩn không ai bảo gì chứ mon men đóng Maid Merian thì thôi. Sao tôi thấy Orlando Bloom với Eva Green casting phim này chuẩn luôn, dù trong Kingdom of Heaven hai anh chị này diễn cũng không có gì đặc sắc nhưng phải nói là rất phù hợp. Nói vậy thôi, cũng chưa biết thế nào, chờ phim ra rồi tính ...

Hờ hờ, có cái thư giãn tốt hơn nè. MTV Movie Awards 2010 vừa công bố đề cử, 6/6 sẽ diễn ra. Cái này và cái Teen Choice Awards là 2 award thuộc loại thư giãn và tính giải trí cao nhất mà tui biết. Coi mấy cái đề cử kiểu Best Villain hay Best Kiss, Best Fight mới thấy nso bình dân như thế nào, nhưng cũng hay đấy chứ, đôi khi xem phim người ta chỉ cần xem mỗi kiss, xxx hay fighting ầm ầm :D Cũng không rõ hội đồng giám khảo gồm những ai, tiêu chí lựa chọn đề cử và người thắng ra sao, thuộc loại lố lắng và nhảm bậc nhất. Không nói đâu xa, cứ nhìn qua mấy cái đề cử năm nay là biết:

Best Movie

Alice in Wonderland
Avatar
The Hangover
Harry Potter and the Half-Blood Prince
The Twilight Saga: New Moon

Hơ hơ, tạp nham đủ các thể loại luôn, nhưng chắc là chủ yếu phục vụ dân teen nên đề cử cũng toàn phim mà teen hâm mộ (và ... biết là nó có ra rạp). Chẳng thế mà nải chuối New Moon đã vượt qua hàng loạt bom tấn khác để chen chân vào được list để cử Best Movie, và mấy anh chị ưỡn ẹo trong đấy cũng tranh thủ chen vào được 4 đề cử khác. Ngó qua lố đề cử với mấy cái winner vài năm trước thì thấy tính thư giãn cao thật. Giờ vẫn không tin được là năm ngoái cái Twilight được vinh danh Best Movie, vượt qua cả The Dark Knight, High School Musical 3, Iron Man, Slumdog Millionaire, Kristen Stewart như dở người thì thắng Best Female Performance, Zac Efron phải gọi là giỏi khi được vinh danh là Best Male Performance, hiệu ứng teen force mạnh thật. Nghi năm nay vớ vấn mấy chú 6 múi trong New Gay, í nhầm New Moon lại vơ về vài cái nữa thì bỏ cha, gì chứ doanh thu hoành tráng thế cơ mà. Thôi thì cũng kệ, lâu lâu có cái coi giải trí chút cho thoải mái, xem dân teen Mĩ bây giờ thích (hay ham hố ăn theo) cái quái gì. List đề cử thôi khỏi post ở đây cho nó rác, mọi người qua đây mà xem, nói chung xem xong thì chịu không hiểu đồng chí nào nghĩ ra cái list đề cử trí tuệ đến thế.

Rảnh rảnh linh tinh vậy thôi ...
->Read More...