Thứ Bảy, 19 tháng 6, 2010

Review: The Karate Kid (2010)


Có vẻ như quyết định đổi tên phim từ Kungfu Kid ban đầu về Karate Kid cho nó gần gũi phiên bản cũ là không cần thiết, bởi dù sao chuyện một cậu nhóc học Kungfu Trung Hoa bị gọi là Karate Kid cũng khá là kì cục, và phần nào làm giảm giá trị bộ phim. Và hơn thế, Karate Kid 2010 xứng đáng được gọi với tên chính xác của nó, bởi bộ phim thực sự đặc sắc và hấp dẫn mà không cần dựa trên tên tuổi của phiên bản cũ.

Dre Parker (Jaden Smith) là một cậu nhóc người Mĩ 12 tuổi, cậu chuyển đến Bắc Kinh cùng mẹ (Taraji P. Henson) để bắt đầu một cuộc sống mới. Ngày đầu tiên, cậu làm quen với Mĩ Anh (Hàn Văn Văn) - một cô bé xinh đẹp đang tập piano. Nhưng Thành - bạn của Mĩ Anh không cho Dre làm quen với cô bé, và Dre bị Thành và đồng bọn dần cho một trận. Sau đó khi đến trường, Thành tìm mọi cách bắt nạt Dre, khiến cậu trở nên chán ghét Bắc Kinh. Một lần bị đám bạn của Thành truy đuổi, Dre được ông Hàn (Thành Long) - một người đàn ông độc thân sống gần đó giải cứu. Là thợ sửa ống nước nhưng thật ra ông Hàn là một cao thủ ẩn mình. Sau đó, Dre được ông chấp nhận dạy võ thuật cho cậu để giải quyết mọi chuyện với Thành vào giải đấu võ thuật thiếu niên mở rộng, bù lại Thành phải hứa không được đụng đến Dre cho tới khi giải đấu bắt đầu...

Công bằng mà nói, Karate Kid 2010 không cần thiết phải mang tinh thần là phim làm lại, càng không cần phải giữ lại cái tên của phiên bản cũ một cách kì cục. Motif phim rất quen thuộc: một chàng trai được một cao thủ thu nạp làm đệ tử, không chỉ dạy võ thuật mà còn dạy những triết lí của cuộc sống, rất phổ biến vào các năm 90 ở Holywood cũng như trong các phim Hongkong. Mang danh là phim làm lại khiến cho bộ phim phải chịu áp lực dư luận khá lớn khi mà phiên bản cũ năm 1984 là một thành công vượt trội, không chỉ giúp sinh ra thêm 3 phần tiếp kiếm bộn tiền mà còn trở thành 1 biểu tượng cho dòng phim võ thuật của Holywood 1 thời, nhất là vai diễn của diễn viên Pat Morita quá ấn tượng. Làm lại một bộ phim võ thuật dành cho thiếu nhi là điều không hề dễ dàng, dù cho có thay đổi bối cảnh từ Karate sang Kungfu Trung Hoa thì người ta vẫn nghi ngờ liệu Karate Kid 2010 có phải là một bản sao nghèo nàn hay không, có truyền tải được cảm hứng của phiên bản trước hay không, bộ đôi Jaden Smith - Thành Long liệu có đem tạo nên hình tương được như Ralph Macchio và Pat Morỉa đã làm được hay không... Và khi bộ phim công chiếu, người ta tiếp tục nghi ngờ doanh thu hơn 50 triệu USD tại thị trường Bắc Mĩ của bộ phim. Vậy rốt cuộc Karate Kid 2010 có được như mong đợi hay không?


Có thể khẳng đinh ngay Karate Kid 2010 xứng đáng được gọi với tên chính xác của nó - Kungfu Kid, bởi bộ phim thực sự đặc sắc và hấp dẫn mà không cần dựa trên tên tuổi của phiên bản cũ. Karate Kid 2010 không quá tập trung vào võ thuật mà còn nói về những chuyện khác của tuổi mới lớn: việc tiếp nhận môi trường sống mới, bạn bè mới, những rung động đầu đời, những mâu thuẫn trẻ con, gánh nặng trách nhiệm của mỗi người... Vừa đậm chất hành động nhưng cũng rất tâm lý, tình cảm và hài hước. Xuyên suốt bộ phim là sự trưởng thành của nhân vật chính Dre, cậu học võ thuật nhưng cũng học cách sống, cách dối nhân xử thế, học tính kiên trì, quyết tâm, rồi triết lí về những lựa chọn trong cuộc sống... Đó là điều hấp dẫn nhất của bộ phim - khán giả chsu tâm theo dõi sự trưởng thành, thay đổi của nhân vật chính, cách nhân vật chính giải quyết vấn đề, cảm nhận được sự thay đổi của nhân vật chứ không quá quan trọng vào kết quả cuối cùng, vì kết quả gần như được định sẵn là happy ending rồi. và Karate Kid 2010 đã thực hiện điều này rất tốt. Nội dung phim được phân chia hợp lí, dẫn dắt mạch phim không quá nhanh hay quá chậm, các chi tiết, quan hệ trong phim được đầu tư nghiêm túc không thiếu hay thừa. Điều này khiến cho bộ phim không tạo cảm giác lê thê dù khá dài, các nhân vật trong phim được đầu tư đúng mức. Dù một số mâu thuẫn được giải quyết hơi nhanh cũng như chuyện tình cảm của 2 cô cậu Dre - Mĩ Anh có hơi đậm chất Mĩ nhưng điều đó không ánh hưởng nhiều đến mạch phim, cũng bởi phim thiếu nhi đòi hỏi giải quyết vấn đề cần đơn giản và nhanh chóng. Bộ phim đáp ứng đầy đủ các yếu tố về hành động - võ thuật, về tâm lý tuổi mới lớn nông nổi trẻ con, về tình cảm đầu đời ngọt ngào hồn nhiên, về triết lí con người... Sự thay đổi của nhân vật chính gắn liền với các bài học mà bộ phim gửi gắm tới khán giả, các bài học được truyền đạt trực tiếp nhanh gọn không cầu kì ẩn dụ gì cả, cũng không nặng nề giáo điều. Đây thật sự là thành công đối với một bộ phim võ thuật thiếu nhi.




 Không có nhiều điều để nói về võ thuật trong phim. Các màn giao đấu được thực hiện khá nhanh gọn dứt khoát, không hoa mĩ, đúng phong cách đánh lộn ngoài đời, thậm chí còn có phần hơi bạo lực nhờ âm thanh rất mạnh và có lực. Kungfu trong phim nói chung khá là tạp nham, không có đặc trưng như Karate hay các môn võ Trung Hoa như Vịnh Xuân, kết hợp nhiều đòn thế khác nhau, thậm chí cả đòn kẹp cổ thường thấy của Vovinam. Phương pháp dạy võ của Thành Long cũng giống như Pat Moriat ở phiên bản cũ: học từ những hành động quen thuộc hàng ngày, được thực hiện một cách tuần thục. Các màn giao đấu cũng rất ít, Dre chỉ chính thức thể hiện trình độ ở đại hội võ thuật cuối phim. Cảnh cuối cùng đại hội võ thuật thiến niên được dàn dựng rất quy mô tạo không khí hứng khởi, nhưng không được như mong đợi lắm. Các trận đấu diễn ra khá chóng vánh do các đòn đánh đều nhanh gọn, và so với các diễn viên còn lại, khả năng võ thuật của Jaden Smith đuối hơn hẳn khi đánh đấm không có lực nhiều, các đòn đánh còn lợi dụng kĩ xảo, đặc biệt là trận đấu cuối cùng thực sự quá nhanh và chiến thắng còn thiếu thuyết phục. Thêm nữa quay phim không tốt, thường chọn góc máy sau lưng và quay cận khiến cho các cảnh giao đấu không được rõ ràng ở cuối phim, một sự cố không đáng có chút nào.




 Jaden Smith đã có một vai diễn thực sự ấn tượng và đột phá. Dù chỉ mới 12 tuổi nhưng Jaden đã diễn xuất không chỉ tự nhiên mà còn rất bài bản, phong cách khá đa dạng, thể hiện hình ảnh một cậu bé Dre với nhiều cảm xúc khác nhau quá xuất sắc, khác hẳn với 2 vai diễn trước của cậu. Có những chi tiết rất nhỏ nhưng lại thể hiện khả năng diễn tinh tế của cậu như cảnh Dre bị đánh bị thương chân trái ngay trước trận chung kết. Còn diễn xuất của Thành Long thì không được như mong đợi cho lắm. Nhân vật ông Hàn - người đàn ông độc thân chịu sự dày vò của lỗi lầm quá khứ không tạo được ấn tượng như hình tượng ông lão phúc hậu của Pat Moriat, và cũng không phù hợp với diễn xuất của Thành Long vốn quen thuộc với các vai hài hước. Các nhân vật khác diễn xuất tròn vai, có đủ đất diễn nên cũng rất ổn. Vai nữ chính của Hàn Văn Văn dù có hơi Mĩ hóa quá nhưng phải nói là rất xinh (và cô bé có một màn dance rất chi là đặc sắc) :D

Âm thanh và hình ảnh cũng rất đáng khen ngợi. Các danh lam thắng cảnh của Trung Quốc lên phim rât đẹp và hùng vĩ, đậm chất Á Đông. Bối cảnh bình thường cũng được đầu tư tốt. Nhạc phim sử dụng kết hợp giữa âm nhạc Trung Quốc và Mĩ, ban đầu có cảm giác không phù hợp cho lắm nhưng càng về sau, càng thấy ấm nhạc được lồng ghép khá chính xác với diễn biến bộ phim và mang ý đồ riêng, nhất là cảnh cuối phim ở đại hội võ thuật, nhạc phim rất mạnh mẽ, sôi động, tạo không khí hứng khởi. Không có gì phàn nàn về không khí do phim mang lại.




Karate Kid 2010 thực sự là một bất ngờ, một điểm sáng đáng chú ý giữa mùa hè khi mà các bom tấn khác đều chưa gây được tiếng vang nào đáng kể. Có thể không được thành công như phien bản gốc, nhưng Karate Kid 2010 hoàn toàn có thể tự hào đứng bên cạnh với cái tên chính xác hơn - Kungfu Kid - như một tác phẩm độc lập mà không sợ bị ảnh hưởng bởi tên tuổi và cái bóng quá lớn của người tiền nhiệm.

Đánh giá: 7,7

Thông tin phim:

Tên phim: The Karate Kid
Thể loại: Hành động, Võ thuật, Tâm lý, Tình cảm, Hài
Kịch bản: Christopher Murphey, Robert Mark Kamen
Đạo diễn: Harald Zwart
Diễn viên:

Jaden Smith ... Dre Parker
Jackie Chan ... Mr. Han
Taraji P. Henson ... Sherry Parker
Rongguang Yu ... Master Li
Zhiheng Wang ... Meiying's Mom
Zhenwei Wang ... Cheng

Hãng sx: Overbrook Entertainment/Columbia Pictures
Độ dài : 140 phút ->Read More...

5 nhận xét: