Thứ Sáu, 12 tháng 3, 2010

Review: Alice in Wonderland (2010)


Dựa trên nền câu truyện thiếu nhi được coi là kỳ dị và sáng tạo nhất, đúng với sở trường của mình, kết hợp với dàn cast toàn sao, những tưởng Tim Burton và Johnny Depp sẽ thỏa sức thể hiện để chinh phục không chỉ các khán giả nhỏ tuổi hâm mộ tác phẩm mà còn cả những fan hâm mộ gạo cội. Tuy nhiên, có lẽ bởi ảnh hưởng quá lớn từ bản phim hoạt hình cùng tên năm 1951 và việc phim chủ yếu nhắm vào đối tượng thiếu nhi mà lần này, cặp bài trùng Burton-Depp lại khiến người hầm mộ có đôi phần thất vọng, bởi Alice in Wonderland là tác phẩm kém sáng tạo và kịch tính nhất của bộ đôi này.

Tim Burton’s Alice in Wonderland được xây dựng dựa trên nội dung cả 2 cuốn sách Alice's Adventures in Wonderland và Through The Looking Glass, và có thể coi là sequel của bản phim hoạt hình 1951 của Disney. Alice (Mia Wasikowska) giờ đây không còn là một cô bé nữa mà đã là một thiếu nữ sắp đến tuổi kết hôn. Từ nhỏ, Alice đã sống với những giấc mơ kì lạ, trong giấc mơ cô mơ thấy mình đuổi theo 1 chú thỏ mặc áo gi-lê và rơi xuống 1 hố. Ở dưới hố cô bắt gặp một thế giới kì lạ được gọi là Wonderland với những bông hoa biết nói, một con mèo tàng hình, 1 cặp song sinh lùn mập, một con sâu bướm hút thuốc… Lớn lên, Alice không thể thích nghi với cuộc sống bức bối hiện tại, và dường như cô vẫn bị ám ảnh bởi những giấc mơ đó. Trong một bữa tiệc của giới giới quý tộc, Alice được công tử nhà Ascot cầu hôn. Quá bối rối, cô đã bỏ đi và thấy một chú thỏ mặc áo gi-lê kì lạ. Alce đuổi theo chú thỏ và cô rơi xuống một chiếc hố sâu. Chiếc hố dẫn Alice đến một thế giới kì lạ - với những nhân vật kì lạ giống như trong các giấc mơ của cô. Và điều kì lạ nhất là dường như họ biết về Alice, dù không chắc chắn cô chính là “Alice” mà họ muốn tìm hay không. Alice bị cuốn hút vào cậu truyện của những sinh vật kì quái trong thế giới Underland – hiện nằm dưới sự thống trị của Nữ hoàng Đỏ (Helena Bonham Carter) độc ác, và một lời tiên tri rằng “Alice” – người trước đó đã tới Underland – sẽ trở lại, tiêu diệt con quái vật của Nữ hoàng Đỏ và giải phóng Underland khỏi sự thống trị của mụ.

Plot của phim, phải nói là khá đơn giản và mẫu mực, giống như rất nhiều bô phim khác và rất phù hợp với 1 sequel: Cô bé Alice năm nào giờ đây đã lớn, không còn nhớ gì về những chuyện quá khứ - và dường như đó chỉ là giấc mơ. Và rồi bất chợt Alice trở lại Wonderland (như cô nghĩ) – nhưng đó lại là một thế giới tên là Underland. Cô gặp những sinh vật kì lạ trong giấc mơ lần đầu (như cô nghĩ), nhưng họ lại biết cô, và nói rằng cô là người được chọn để tiêu diệt Jabberwocky – con quái vật của Nữ hoàng Đỏ, để giải phóng Underland. Dù Alice một mực cho rằng mình không phải là Alice họ muốn, nhưng cô vẫn phải lao vào cuộc phiêu lưu, và rồi dần nhận ra quá khứ và sứ mệnh của mình. Motif anh hùng thiếu niên ẩn mình bất chợt được khám phá nhan nhảm trong các phim thiếu nhi, kết hợp với một thế giới thần thoại khá giống với các tác phẩm khác như Narnia, rất đơn giản, quen thuộc và dễ hiểu đối với thiếu nhi. Nếu đã từng xem The chronicles of Narnia, bạn sẽ thấy ý tưởng, tuyến nhân vật, diễn biến… rất giống nhau, thậm chí có thể nói plot của Alice in Wonderland copy i chang của The chronicles of Narnia. Và vì thế, tuyến nhân vật được đơn giản hóa tối đa, với 2 bên thiện-ác rõ ràng rành mạch, những tình huống quen thuộc, những bài học khuôn mẫu về việc tìm thấy chính bản thân mình… Điều này không phải là quá tệ, nhưng không xứng đáng chút nào với 1 bộ phim đóng mác Tim Burton. Tim luôn nổi tiếng với những tác phẩm có nội dung mới lạ, từ đó ông mới thể hiện một cách hiệu quả những sáng tạo của bản thân. Tuy nhiên lần này, nội dung cũ kĩ và khuôn sáo (cùng vài plot hole kha khá) đã làm hạn chế đi ít nhiều sự sáng tạo đó.


Nếu ai đã từng đọc Alice in Wonderland, hay xem bản phim hoạt hình năm 1951 của Disney sẽ thấy câu chuyện phim kì dị (và có khi ma quái) tới mức nào. Một thế giới mang tên Wonderland – Xứ sở thần tiên, với những bông hoa biết nói, một chú mèo Cheshire thoắt ẩn thoắt hiện với nụ cười ma mãnh, chú thằn lằn Bill, buổi tiệc trà điên khùng của Hatter, thỏ March và chuột Dor… Và việc tái hiện lại thế giới “thần tiên” đó dường như rất phù hợp với sở trường của Tim. Và khán giả sẽ không phải thất vọng với những gì mà Tim Burton mang lại. Một Underland đầy màu sắc nhưng ảm đạm, với những cánh rừng u ám, với lâu đài của Nữ hoàng Đỏ đậm chất “tú lơ khơ”, với lâu đài của Nữ hoàng Trắng y như một thế giới cờ vua, với những sinh vật cũng hết sức kì dị. Các nhân vật của Underland không chỉ trung thành với bản phim năm 1951 mà còn đầy sáng tạo, khán giả sẽ ấn tượng với một thỏ March điên rồ đúng nghĩa, mèo Cheshire giờ đây trông rất thật và càng ma mãnh, “gian” hơn nữa, hay đội quân Tú lơ khơ trông rất mạnh mẽ, hiếu chiến. Trang phục của nhân vật cũng khá đẹp mắt và thú vị. Underland của Tim Burton rất đáng khen ngợi, nhưng bố cục lại không phù hợp, tỉ như lâu đài của Nữ hoàng Đỏ được mô tả rất chi tiết, nhưng lâu đài của Nữ hoàng Trắng thì chỉ được mô tả khá sơ sài, thâm chí khán giả không được chiêm ngưỡng trọn vẹn toàn cảnh lâu đài, thật đáng tiếc. Và với tôi, mèo Cheshire của Tim Burton cũng không thể ấn tượng bằng mèo Cheshire của Disney năm 1951 được. Và Jabberwocky – final boss của phim, nói thật là khá thất vọng với tạo hình (không khác mấy so với con rồng cùi bắp trong Enchanted).

Có lẽ Tim Burton’s Alice in Wonderland đã bị ảnh hưởng rất lớn từ phiên bản năm 1951 của Disney, khi các nhân vật được thể hiện khá trung thành với bản phim hoạt hình, và việc Tim phải cố “nhồi nhét” tất cả các nhân vật và tình tiết của bản phim trước vào bộ phim của mình. Mở đầu, ta sẽ bắt gặp ngay cặp đôi Tweedledum và Tweedledee, chim cưu Dodo và chuột Dor đón tiếp Alice, và rồi sau đó là một cuộc rượt đuổi, tất cả chạy tán loạn và Alice lần lượt lại gặp các nhân vật khác như Hatter, thỏ March và ông sâu bướm hút thuốc… Một vài nhân vật có vai trò về sau này, nhưng một vài thì không xuất hiện đến lần thứ 2, hay xuất hiện nhưng không có tác dụng gì nhiều. Thậm chí một vài chi tiết hay ho ở bản hoạt hình như chi tiết Nữ hoàng Đỏ chơi croke bằng 1 con nhím và 1 con hồng hạc được copy lại i nguyên. Sự lặp lại này ban đầu có thể thu hút khán giả, nhưng sau đó lại gây thất vọng khi thấy bộ phim không còn chi tiết gì mới lạ nữa, ngoài một vài cảnh gây cười dành cho trẻ con. Một vài chi tiết mới theo cốt truyện thì không thu hút, như việc Alice tìm kiếm thanh gươm của Nữ hoàng Trắng được xây dựng quá ngắn gọn, sơ sài. Cũng may Tim Burton không tập trung vào chi tiết đó, bởi so với những gì được nói trước đó thì thanh gươm đúng là đồ vô dụng.



Là phim dành cho thiếu nhi nên Alice in Wonderland sở hữu một cốt truyện đơn giản dễ hiểu như trên đã nói. Và hơn thế, Tim Burton không thể xây dựng một Underland quá kì dị và đen tối được. Bởi vậy, Underland lạnh lẽo, âm u giống như Sleepy Hollow, nhưng không có được cái không khí ma quái pha lẫn rùng rợn của Sleepy Hollow, có một tòa lâu đài với một Nữ hoàng độc ác và bè lũ tay sai nhưng so với London ngột ngạt xảo trá trong Sweeney Todd thì vẫn rất thoải mái và vui vẻ. Điều này khiến cho Alice in Wonderland trở nên hơi nửa mùa trong mắt các fan của Tim Burton, khi nhân vật thì quái dị nhưng khung cảnh thì không đủ u ám đen tối, không đủ tạo nên sự khác biệt (Charlie and the Chocolate Factory dù cũng là phim thiếu nhi, nhưng thế giới trong đó vẫn có tính đặc trưng và khác biệt hơn nhiều trong Alice in Wonderland). Và cũng bởi là phim thiếu nhi nên tính bạo lực sẽ bị hạn chế tối đa. Suốt cả bộ phim, chất hành động được thể hiện qua các màn rượt đuổi và tốc độ lặp đi lặp lại dễ gây nhàm chán, và hầu như không có các màn đối đầu. Phim hầu như cũng không hề thấy máu. Hoành tráng nhất là trận đấu cuối cùng – final battle, thực chất là cuộc chiến giữa người hùng và quái vật, còn 2 phe Đỏ-Trắng chỉ để làm nền, và rốt cuộc cũng kết thúc một cách đơn giản, chóng vánh đến mức ngán ngẩm, thậm chí còn kém hấp dẫn hơn final battle của Narnia. Có lẽ Tim Burton nên suy nghĩ lại về việc làm phim cho thiếu nhi nếu vẫn muốn giữ phong cách độc của mình.

Nói qua một chút về 3D của phim. Khác với Avatar, Alice in Wonderland được quay giống như phim 2D bình thường và được chuyển sang 3D sau đó. Điều này khiến cho 3D của Alice in Wonderland trở nên thiếu sắc nét và khó nhận biết hơn Avatar. Trong Avatar các đối tượng trogn 1 khung hình phân biệt với nhau rất rõ nét và sắc sảo, nhưng trong Alice các đối tượng khá tương đồng với nhau, khó nhân thấy độ sâu của hình ảnh. Ngoài ra, Alice in Wonderland cũng gặp phải hiện tượng loang và nhòe hình ở một số cảnh có các màu gần nhau do 3D thiếu hoàn hảo. Nhưng khác với Avatar, Alice in Wonderland sử dụng triệt để các hiệu ứng 3D tốc độ cao, gây nên cảm giác phấn khích cho khán giả như cảnh Alice rơi xuống hố sâu hay cảnh con chim của Nữ hoàng Đỏ bay trên bầu trời truy kích đối tượng. Một số nhân vật trong phim được dựng bằng CG không ổn lắm như Hiệp sĩ Át Cơ và con ngựa hơi dặt dẹo (trong khi binh đoàn Tú lơ khơ lại khá chuẩn) và cặp đôi Tweedledum – Tweedledee trông không thật. Âm thanh của phim bình thường, ngoài tiếng nhạc dồn dập trong các tình huống rượt đuổi thì không có gì thêm.



Diễn xuất trong phim không có gì nổi bật. Lần này, dù Johnny Depp không phải là vai chính nhưng lại là diễn viên có rất nhiều đất diễn và được đầu tư nhiều nhất. The Hatter của Depp giờ đây không chỉ điên rồ một cách thuần túy mà tâm lý được miêu tả sâu sắc hơn, với nhiều diễn biến khác nhau tùy theo hoàn cảnh đã được xây dựng chi tiết, nhưng thực sự không có gì đặc biệt so với các vai diễn khác của anh, bởi chủ yếu Johnny diễn vai “điên” khá đơn điệu. Anne Hathaway vào vai một Nữ hoàng Trắng vừa điệu vừa sến khá đơn giản và mờ nhạt. Đặc sắc nhất là Helena Bonham Carter trong vai Nữ hoàng Đỏ, thể hiện một Nữ hoàng độc ác và lập dị khá hoàn hảo. Còn vai chính Alice của Mia Wasikowska, thật sự tôi không thích vai diễn này. Mia Wasikowska có gì đó quá già dặn và từng trải, không phù hợp lắm với một Alice luôn đắm chìm trong những giấc mơ cổ tích kì lạ. Trước kia tôi từng đọc ở đâu đó rằng xứ thần tiên trong Alice in Wonderland là kết quả của việc phê thuốc (?!), không hiểu sao thấy nửa đầu phim Alice của Mia Wasikowska đúng là hơi… phê thuốc, dường như cô ám ảnh một cách thái quá về những giấc mơ đó. Còn nửa sau phim thì cứ diễn như … kịch bản, không có gì đột phá.

Thật khó để đánh giá Alice in Wonderland. Đây là một phim thiếu nhi rất mới lạ và thú vị, hấp dẫn hơn hẳn những tác phẩm thiếu nhi mang tính thần kì khác như Narnia. Nhưng với fan của Tim Burton, hay những người yêu thích câu truyện Alice in Wonderland, thì bộ phim của Tim vẫn còn hời hợt và không đủ để trở nên hấp dẫn như các tác phẩm trước đó của ông cũng như bản phim hoạt hình năm 1951 của Disney. Dẫu vậy thì cũng nên xem Alice in Wonderland – bởi nó hời hợt nhưng vẫn đẹp, vẫn kì dị, vẫn kịch tính, vẫn sáng tạo và thêm cả vui vẻ nữa.

Đánh giá: 7,3

Poster phim:


imagebam.com imagebam.com imagebam.com imagebam.com
imagebam.com imagebam.com imagebam.com
imagebam.com imagebam.com imagebam.com
imagebam.com imagebam.com imagebam.com
imagebam.com imagebam.com imagebam.com
imagebam.com imagebam.com imagebam.com imagebam.com

Thông tin phim:

Tên phim: Alice in Wonderland
Thể loại: Hành động, Giả tưởng, Phiêu lưu
Kịch bản: Linda Woolverton
Đạo diễn: Tim Burton
Diễn viên:

Mia Wasikowska ... Alice
Johnny Depp ... Mad Hatter
Helena Bonham Carter ... Red Queen
Anne Hathaway ... \White Queen
Crispin Glover ... Stayne – Knave of Hearts

Độ dài: 108 phút
Phát hành: Walt Disney
Phân loại: PG
Ngôn ngữ: tiếng Anh ->Read More...

Thứ Bảy, 6 tháng 3, 2010

Các bộ đôi đạo diễn - diễn viên tui yêu thích

Điểm qua vài "cặp bài trùng" đã cùng nhau làm nên những bộ phim tuyệt vời:

1. Tim Burton-Johnny Depp


Edward Scissorhands, Sleepy Hollow, Ed Wood, Sweeney Todd: The Demon Barber of Fleet Street, Corpse Bride, Charlie and the Chocolate Factory, Alice in Wonderland.

Ko phải nói nhiều, ngần ấy tác phẩm đã không chỉ khẳng định tên tuổi của Tim Burton - đạo diễn với những bộ phim đen tối, kì quái nhưng đầy hài hước mà còn khẳng định tài năng của Johnny Depp - diễn viên cũng chuyên trị những vai diễn quái đản không kém (đáng tiếc là Tim không đạo diễn Pirates of the Caribbean).


2. Martin Scorsese-Robert De Niro


Cape Fear; Casino; GoodFellas; Mean Streets; New York, New York; Raging Bull; Taxi Driver; The King of Comedy

Dù hiện tại Martin Scorsese đang hợp tác rất ăn ý với Leonardo DiCaprio với 4 tác phẩm đều rất thành công và được đánh giá cao, nhưng nổi bật nhất trong sự nghiệp của Martin Scorsese (lẫn Robert De Niro) lại chính là những Casino, GoodFellas, Taxi Driver, Raging Bull kinh điển.

3. Ngô Vũ Sâm - Châu Nhuận Phát


Anh hùng bản sắc 1,2 , Điệp huyết song hùng, Lạt thủ thần thám, Tung hoành tứ hải

Không quá khi nói bộ đôi này đã tạo nên chuẩn mực mới cho phim hành động hiện đại: phim "súng hiệp" heroic bloodshed. Những màn đấu súng trong phim trở thành kinh điển và hấp dẫn đến mức không nhiều tác phẩm hiện đại có thể tạo ra được những cảnh quay tuyệt vời như thế.

4. Lương Triều Vĩ - Vương Gia Vệ


A Phi chính truyện, Trùng Khánh Sâm Lâm, Xuân quang xạ tiết, Tâm trạng khi yêu, 2046

5 bộ phim họ hợp tác đã mang lại 4 giải thưởng Kim Tượng và 1 giải Cành cọ vàng cho Nam diễn viên chính xuất sắc nhất cho Lương Triều Vĩ. Nam diễn viên diễn xuất bằng ánh mắt phù hợp một cách hoàn hảo với các bộ phim của Vương Gia Vệ.

5. Alfred Hitchcock - Jimmy Stewart


Vertigo, The Man Who Knew Too Much, Rope, Rear Window

Phim của Alfred Hitchcock ma quái, căng thẳng và bi kịch. Dù không thực sự xuất sắc trong diễn xuất nhưng Jimmy Stewart đã góp phần tạo nên những bộ phim tâm lý hình sự tuyệt vời nhất cùng với Alfred Hitchcock.

6. Diệp Vĩ Tín - Chân Tử Đan


Sát Phá Lang, Đảo Hỏa Tuyến, Long Hổ Môn, Diệp Vấn 1,2

Trong khi Lí Liên Kiệt và Thành Long đang bận đóng phim bên Mĩ thì Chân Tử Đan ngày càng trở nên nổi tiếng ở Hồng Kông và Đại lục. Tham gia hàng loạt dự án phim, nhưng thành công nhất chính là những kết quả hợp tác giữa anh và Diệp Vĩ Tín, những bộ phim võ thuật do anh thủ vai chính ngày càng hấp dẫn và đặc sắc.

7. Alec Guinness - David Lean


Great Expectations, Oliver Twist, Bridge on the River Kwai, Lawrence of Arabia, Dr. Zhivago, A Passage to India

Chỉ với 1 trong số Great Expectations, Bridge on the River Kwai và Lawrence of Arabia, David Lean đã được liệt vào danh sách đạo diễn kinh điển về thể loại phim chiến tranh.

8. Toshiro Mifune - Akira Kurosawa


Drunken Angel, A Quiet Duel, Stray Dog, Scandal, Rashomon, The Idiot, Seven Samurai, I Live in Fear, Throne of Blood, The Lower Depths, The Hidden Fortress, The Bad Sleep Well, Yojimbo, Sanjuro, High and Low, Red Beard

Seven Samurai đủ nổi tiếng để khẳng định tên tuổi của 1 trong 2 người.

9. Lưu Vĩ Cường - Trịnh Y Kiện

Người trong giang hồ 1-6, Phong vân: Hùng bá thiên hạ, Trung Hoa anh hùng, Quyết chiến trên đỉnh Tử Cấm Thành

Dù Vô gian đạo được coi là tác phẩm xuất sắc nhất của Lưu Vĩ Cường, nhưng chính Người trong giang hồ mới là bệ phóng cho tên tuổi của ông, và thời kì hợp tác với Lưu Vĩ Cường là thời kì huy hoàng nhất trong sự nghiệp điện ảnh của Trịnh Y Kiện.

1 số bộ đôi nổi tiếng mà tui biết, ngoài ra còn có nhiều sự hợp tác khá ăn ý khác như Billy Wilder và Jack Lemmon, Diane Wiest và Woody Allen, Henry Fonda và John Ford, John Huston và Humphrey Bogart ... nhưng chưa có được coi phim của họ để mà đánh giá nên thôi
->Read More...