Chủ Nhật, 9 tháng 5, 2010

Review: Ip Man 2 - Diệp Vấn 2: Tông sư truyền kỳ (2010)


Không nhiều phim Trung Quốc có sequel (phần tiếp theo), tuy nhiên có thể thấy rằng những sequel của Trung Quốc thường có chất lượng cao hơn sequel của Hollywood - vốn mang nặng tính ăn theo, rất nhiều. Diệp Vấn 2 cũng vậy. Dù có nhiều ý kiến trái chiều nhưng với tôi, Diệp Vấn 2 vẫn là một bộ phim hay và là một sequel xuất sắc, vừa giữ được những nét đặc sắc đã làm nên thành công của phần 1 vừa tạo nên một không khí rất riêng cho mình ...

Hồng Kông những năm 1950. Sau sự kiện xảy ra tại Phật Sơn, cả nhà Diệp Vấn (Chân Tử Đan) phải sang Hồng Kông lánh nạn. Tại nơi đất khách quê người, không thân thích, vợ lại mang thai, cuộc sống của nhà họ Diệp trở nên khó khăn. Nhờ có một người quen giới thiệu, Diệp Vấn mở một võ quán Vịnh Xuân nhỏ một gác thượng một căn nhà, thu nhận Hoàng Lương (Huỳnh Hiểu Minh) - một thanh niên trẻ tuổi làm đệ tử. Một lần, Hoàng Lương gặp rắc rối với đệ tử của phái Hồng quyền, Diệp Vấn ra mặt giúp đỡ khiến cho mâu thuẫn giữa 2 phái nảy sinh, Diệp Vấn và Hoàng Lương bị cảnh sát bắt. Hồng Chấn Nam (Hồng Kim Bảo) - võ sư Hồng quyền, yêu cầu Diệp Vấn phải vượt qua thử thách đả lôi đài và phải đóng lệ phí hàng tháng mởi được quyền mở võ quán. Diệp Vấn vượt qua thử thách lôi đài nhưng không đồng ý đóng lệ phí, khiến cho võ quán gặp không ít rắc rối, bởi các võ quán tại Hồng Kông chịu sự bảo kê của tay cảnh sát trưởng người Anh, mỗi tháng Hồng Chấn Nam đều phải thu lệ phí để nộp cho hắn. Một ngày Hồng Kông tổ chức biểu diễn võ thuật phương Tây, một tay võ sĩ nước ngoài được gọi là "Vòi Rồng" đã chê bai võ thuật Trung Quốc, đồng thời thách thức các võ sư có mặt ở đó. Hồng Chấn Nam đã lên võ đài giao đấu mới hắn, nhưng không may thất bại và chết. "Vòi Rồng" tiếp tục thách thức các võ sư Trung Quốc rằng không ai dám đấu với hắn, và lần này, Diệp Vấn đã thách đấu ...


Không nhiều phim Trung Quốc có sequel (phần tiếp theo), tuy nhiên có thể thấy rằng những sequel của Trung Quốc thường có chất lượng cao hơn sequel của Hollywood - vốn mang nặng tính ăn theo, rất nhiều. Một sequel muốn thành công thì không những phải giữ được những cái hay của phần trước mà còn phải phát huy sự đặc sắc đó lên một tầm cao hơn (như Hoàng Phi Hồng) hay đổi mới một cách sáng tạo (như Anh Hùng Bản Sắc). Có thể nói Diệp Vấn 2 đã thể hiện được cả 2 điều trên. Nội dung phim khá dễ nắm bắt, thực tế chỉ cần xem trailer người xem cũng nắm được sơ lược cốt truyện diễn biến ra sao, nhưng tất nhiên điểm hấp dẫn của phim không chỉ có thế. Bối cảnh trong Diệp Vấn 2 được xây dựng khắc hẳn so với phần 1: ở phần 1, một phần nhỏ là bối cảnh Phật Sơn thanh bình, Diệp Vấn sống hạnh phúc vô lo bên gai đình, còn lại là Phật Sơn hoang tàn đen tối dưới sự cai trị của quân đội Nhật. Còn ở phần 2 là bối cảnh Hồng Kông đông đúc sầm uất, gia đình Diệp Vấn phải chạy vạy kiếm sống, không còn khủng bố, bắt bớ bắn giết hay quân xâm lược nữa. Điều này khiến cho không khí của Diệp Vấn 2 trở nên khác biệt: đời thường hơn, có hơi "thực" hơn và tư tưởng, hành vi của nhân vật lúc này cũng mang ý nghĩa hoàn toàn khác. Cảm nhận của người xem cũng vì thế mà được đổi mới, chứ không bị bó buộc vào một hoàn cảnh, một motif cũ kĩ nào đó như đối với nhiều sequel của Holywood (dù thực sự motif của phần 2 vẫn tương tự như phần 1). Mạch phim được phân chia hợp lí hơn phần 1, các cảnh hành động đan xen đều giữa các cảnh miêu tả tâm lí, không gây cảm giác nhàm chán hay thừa thãi.


Và điều làm nên thành công của bộ phim vẫn là những màn võ thuật đẹp mắt, những trận giao đấu hấp dẫn, kịch tính. Trong Diệp Vấn 2, Chân Tử Đan và Hồng Kim Bảo tiếp tục thỏa mãn khán giả với những trận đấu mãn nhãn đậm chất võ thuật Trung Hoa. Cường độ các màn phô diễn võ thuật được đẩy lên cao hơn hẳn so với phần 1, nhất là các pha 1 đấu nhiều người, bên cạnh các trận đấu lớn là các pha võ thuật nhanh, ngắn gọn nhưng cũng rất đẹp mắt. Phong cách võ thuật của phần 2 cũng được đổi mới. Lần này Diệp Vấn không giao đấu với tay tướng quân Nhật Bản dùng Karate mà là võ sĩ người phương Tây dùng Boxing. Có nhiều ý kiến khác nhau về võ thuật trong Diệp Vấn 2, trong đó có ý cho rằng các pha hành động trong phim kém phong phú và "mất chất" hơn so với phần 1. Hoàn toàn có thể hiểu được điều này. Ở phần 1, những cảnh giao đấu lớn bao gồm trường đoạn các võ sư và Diệp Vấn đấu Kim Sơn Trảo, Diệp Vấn đấu 10 võ sinh Karate và Diệp Vấn đấu tướng quân Nhật. Vịnh Xuân quyền của Diệp Vấn là võ thuật cận chiến, các đòn đánh bằng tay ngắn, trong phạm vi hẹp và thiên về âm nhu, mềm dẻo linh hoạt. Còn võ thuật của Kim Sơn Trảo hay Karate sử dụng linh hoạt cả tay lẫn chân với nhiều chiêu thức tấn công mạnh mẽ và đa dạng, công thủ trong pham vi rộng và thiên về cương ngạnh. Vì thế các trận chiến trong Diệp Vấn 1 trông rất hấp dẫn, phong phú khi 2 trường phái võ thuật khác nhau giao đấu, đặc biệt là với sự kết hợp với các màn đấu bằng binh khí. Còn ở phần 2, Diệp Vấn giao đấu chủ yếu với Hồng Chấn Nam - Hồng quyền và Boxing. Hồng quyền là võ công thiên về cương ngạnh, nhưng có điểm tương đồng với Vịnh Xuân là thường dùng các đòn tay ngắn và giao đấu cận chiến. Boxing thì đa dạng hơn, nhưng chỉ có thể dùng tay, và các đòn boxing cũng thường trong phạm vi hẹp, trừ các cú đấm mang lực manh lúc quyết định. Vậy nên khi giao đấu Hồng quyền và Vịnh xuân trông rất giống nhau, khác biệt ở hình dáng bên ngoài không nhiều, ngay cả khi đấu với Boxing thì Vịnh xuân cũng không quá khác biệt, nhất là khi giao đấu cậnchiến. Điều này tạo cho khán giả cảm giác các trận giao đấu trong Diệp Vấn 2 không được đa dạng, dù vẫn hấp dẫn nhưng Vịnh xuân quyền giờ đây không còn đủ "chất" như phần 1. Tất nhiên chẳng có gì là hoàn hảo, nỗ lực đổi mới trong phong cách của Chân Tử Đan và Hồng Kim Bảo đương nhiên không thể thỏa mãn hết tất cả mọi người được. Những chi tiết như cảnh đả lôi đài thể hiện rất đậm nét phong cách võ thuật Trung Quốc, làm tăng tính chân thực và nghệ thuật hơn cho bộ phim. Nói chung, võ thuật trong Diệp Vấn 2 vẫn là một thành công, và điều đó đã làm nên một sequel võ thuật hấp dẫn không kém phần 1 (những ý kiến trên hòan toàn là ý kiến dựa trên kinh nghiệm cá nhân).


Dàn diễn viên của Diệp Vấn 2 hầu như được giữ nguyên từ phần 1. Hồng Kim Bảo giờ đây không chỉ là chỉ đạo võ thuật mà còn là một nhân vật quan trong của bộ phim, và sự tái hợp của bộ đôi Chân Tử Đan - Hồng Kim Bảo từ sau Sát Phá Lang thật sự khiến nhiều khán giả mãn nguyện. Diệp Vấn vẫn là vai diễn chính, nhưng giờ đây đã có nhiều mối quan hệ hơn, nhiều nhân vật để khai thác hơn. Hầu hết các nhân vật đều được xây dựng giống như phần một, vừa đủ chứ không thật sự ấn tượng, dù cho nhiều đất diễn hay không thì các vai diễn vẫn cứ sàng sàng như nhau. Diệp Vấn của Chân Tử Đan thì có khá hơn, biểu hiện cảm xúc đa dạng và chân thực hơn, nhưng vẫn chưa tạo được ấn tượng thực sự sâu sắc, dù so với các diễn viên chuyên về võ thuật khác thì diễn xuất của Chân Tử Đan được đánh giá khá hơn. Các diễn viên khác diễn cũng khá tốt, dù so với trong Sát Phá Lang thì Hồng Kim Bảo không có đột phá, Hùng Đại Lâm ít xuất hiện hơn nhưng ấn tượng vẫn rất tốt, vai diễn của Huỳnh Hiểu Minh cũng giống với những vai trước đó anh đã từng thủ diễn, Phàn Thiếu Hoàng thì kiểu nhân vật thay đổi nhưng phong cách vẫn như thế... Tuy nhiên một số chi tiết lồng ghép vào lại tạo ra sự thừa thãi không đáng có. Nhân vật Châu Thanh Tuyền của Nhậm Đạt Hoa giờ chỉ là cameo, dù cho có hiệu quả nhất định nhưng vẫn tạo cảm giác thừa thãi. Và nhất là sự xuất hiện của hình tượng Lí Tiểu Long ở cuối phim, thật sự là vô lí và không cần thiết (gần giống với phong cách post-credit dạo gần đây của mấy phim superhero của Marvel). Có một điều khá thú vị: trong phim, Diệp Vấn thu nhận Hoàng Lương làm đệ tử khi Diệp Vấn khoảng 40 tuổi, Hoàng Lương khoảng 18-20 tuổi còn Diệp Chuẩn vẫn là một thiếu niên 13-14 tuổi. Tuy nhiên trong lịch sử, Diệp Vấn sinh năm 1893, Hoàng Lương sinh năm 1935 còn Diệp Chuẩn sinh năm 1924, tức là thời điểm trong phim Diệp Vấn đã gần 60 tuổi, Hoàng Lương mới có 15-16 tuổi và Diệp Chuẩn đã 26-27 tuổi ?! Tất nhiên, phim ảnh có quyền phóng tác và cường điệu, mấy cái số liệu tuổi tác này căn bản cũng không ảnh hưởng gì nhiều đến bộ phim.


Phim dàn dựng bối cảnh tốt, dù không được ấn tượng như bối cảnh Phật Sơn hoang tàn ở phần 1. Quay phim cũng rất khá, ở các cảnh hành động một đấu nhiều người như cảnh ở chợ cá, máy quay lựa chọn góc quay tốt hơn phần 1, tạo cảm giác thật và hợp lí hơn cảnh Diệp Vấn đấu 10 võ sinh Karate. Các cạnh cận và trung cận được sử dụng nhiều do đặc điểm của Vịnh Xuân quyền và Hồng quyền lẫn boxing là giao đấu cận chiến ở cự li hẹp. Nhạc phim không nhiều nhưng được sử dụng rất hợp lí, kết hợp hiệu quả với âm thanh khiến cho âm thanh trong phim không bị nhiễu, tạo được sự cảm xúc hứng khởi cho người xem. Không có điểm gì để chê trách những điều này cả. Một điểm có thể chê khác lại nằm ở kịch bản: Diệp Vĩ Tín lần này lại cho DIệp Vấn giao đấu với võ sĩ phương Tây ở cuối phim để bảo vệ danh dự dân tộc, motif cũ mèm trong các phim võ thuật bối cảnh cận đại mà gần đây nhất trong Tô Khất Nhi, Viên Hòa Bình cũng tham lam cho thêm vào. Đánh Tây hay đánh Nhật thì không có vấn đề gì, chỉ là motif đã quá cũ và dễ gây nhàm chán, và trong trường hợp này thường đối thủ hay bị hạ thấp và cường điệu quá mức, còn tinh thần tự hào dân tộc của nhân vật chính thường được nâng lên tận mây xanh. Diệp Vĩ Tín có tiến bộ hơn một chút so với các tiền bối là không chỉ miêu tả trận đấu mà những chi tiết tiền trận đấu cũng được miêu tả cụ thể, nhân vật phản diện trong phim dù vẫn còn hơi cường điệu nhưng đã được xây dựng một cách công bằng hơn, đỡ "mọi rợ" hơn các phim khác.


Diệp Vấn 2 là một trong những sequel thể loại hành động thành công nhất mà tôi từng xem, và bộ đôi Chân Tử Đan - DIệp Vĩ Tín tiếp tục thỏa mãn người hâm mộ với một tác phẩm hành động - võ thuật đặc sắc. Nhưng điều đấy không có nghĩa tôi ủng hộ một Diệp Vấn 3. Tìm kiếm ý tưởng mới bao giờ cũng tốt hơn là cố gắng dựa theo những ý tưởng cũ.

Đánh giá: 8/10

imagebam.com imagebam.com imagebam.com

Thông tin phim:

Tên phim: Ip Man 2 / 叶问2:宗师传奇 / Diệp Vấn 2: Tông sư truyền kỳ
Thể loại: Hành động, Võ thuật, Tâm lý
Kịch bản: Hoàng Bách Minh
Đạo diễn: Diệp Vĩ Tín
Diễn viên:

Chân Tử Đan ... Diệp Vấn
Hồng Kim Bảo ... Hồng Chấn Nam
Huỳnh Hiểu Minh ... Hoàng Lương
Phàn Thiếu Hoàng ... Kim Sơn Trảo
Hùng Đại Lâm ... Trịnh Vĩnh Thành
Trương Tắc Sĩ  ... Phì Ba

Độ dài : 105 phút ->Read More...

5 nhận xét: